Dân Việt

Lan man bên cầu Mỹ Thuận

Trần Hiệp Thủy 07/05/2015 09:03 GMT+7
30 năm trôi xa, nhưng mỗi khi có dịp qua cầu Mỹ Thuận, lòng tôi lại miên man những kỷ niệm xưa của thời sinh viên gian khó, bồi hồi nhớ cảnh qua bắc, kẹt xe và bao nhiêu chuyện cũ...

Nghe ông tôi kể, thời xa lắm, dân lục tỉnh Nam Kỳ từ miệt trên Nam Vang, Châu Đốc xuống, từ Sài Gòn, Mỹ Tho qua, phải đi ghe bầu hoặc xuồng ba lá vượt sông Tiền, sông Hậu. Bắc Cần Thơ nghe đâu được người Pháp xây vào khoảng những năm đầu 1900 phục vụ cho giao thông cơ giới. Còn bắc Mỹ Thuận có từ khi nào? Tôi chẳng rõ, chỉ biết khi ba tôi sinh ra, nó đã có rồi.

img
Cầu Mỹ Thuận nối liền đôi bờ vui. (ảnh Đ.K)

Nhớ những đêm chèo ghe trên dòng sông Tiền, giữa hai bờ bạt ngàn cây trái xứ quê, ngang nhà ai có máy thâu băng, nghe giọng Minh Cảnh, Chí Tâm hát bài vọng cổ “Quán nửa khuya” mà không dám khua chèo động nước cho ghe đi chầm chậm để nghe hết câu ca “Tôi về Nha Trang với thùy dương cát trắng. Tôi trở lại Long Hồ thăm chợ Trường An. Sông Mỹ Thuận lục bình trôi tản mạn. Bến Vân Lâu trăng ngập cả khoang đò…”.

Bạn tôi, từng có những năm tháng tuổi thơ lớn lên cùng bến bắc này. Bước chân vào cổng trường đại học, hành trang nó mang theo có chút tiền chắt mót từ ấm trà đá, xề trái cây miệt vườn bán cho khách qua sông. Thời sinh viên, giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, ngày đó, anh sinh viên nghèo vùng sông nước Cửu Long là tôi “du học” Sài thành, mỗi năm 2 bận đi về ngang qua bắc Mỹ Thuận kẹt xe. Quanh bến bắc là bạt ngàn cây trái xứ vườn. Nơi mà sau này sản sinh ra giống xoài cát Hòa Lộc, Cái Bè thơm ngon nổi danh cả nước...

Hình ảnh bắc Mỹ Thuận với những chiếc phà cần mẫn nối đôi bờ sông Tiền đã trôi vào dĩ vãng 15 năm qua, nhưng những ký ức về nó như vẫn còn đâu đây. Cầu Mỹ Thuận – cây cầu dây văng đầu tiên của miền Tây sông nước, đã mở đường cho cầu Cần Thơ, Đầm Cùng, Năm Căn và sắp tới là cầu Cổ Chiên, Vàm Cống vượt sông lớn. Mỹ Thuận và những chiếc cầu sừng sững hôm nay, rồi ngày mai như những dấu mốc đổi thay của đất Chín Rồng vẫn không che khuất những bến bắc xưa trong ký ức, dẫu mất đi trong hiện thực, nhưng vẫn còn mãi trong lòng người.