Những lần đi thực tế các vùng nông thôn, tôi thường hay ghé qua các khu chợ quê tìm mua các loại bánh trái quê mùa như bánh rậm bánh nếp, bánh giò… Những chiếc bánh được làm từ những vật liệu thuần chất quê mùa như lá chuối, lá gai, gạo nếp, đỗ xanh…
Nhiều người bảo ăn những thứ bánh đó vừa lạ miệng, vừa lành vì không có chất bảo quản lại đậm đà hương vị quê hương. Nhưng, với riêng tôi, chúng còn gợi nhớ một kí ức xa xôi về chiếc cối bằng đá đã xay bột một thời và dù qua bao thế hệ vẫn miệt mài với những vòng quay để tạo ra những thứ quà quê ngon lành đó.
Chẳng biết từ khi nào, bên mé hiên ngôi nhà 5 gian bằng gỗ xoan lợp ngói đỏ của tôi đã có chiếc cối xay bằng đá trắng nằm đó. Chẳng bao giờ thấy mọi người xê dịch nó đi mà chỉ thấy quanh năm nó lầm lũi nằm im trong những vụ giáp hạt, rồi lại quay những vòng ù ù vào những vụ gặt.
Những khi ấy, theo vòng tay mẹ tôi xoay cối đều đặn, thứ gạo ngâm nước chỉ còn là dòng bột trắng như sữa thơm mùi gạo mới chảy xuống cái thau, cái xô đặt phía dưới. Bột lọc xong, bánh được gói, được luộc bắc ra thơm ngon, lũ trẻ chúng tôi háo hức được chia mỗi đứa một chiếc ăn cho ấm bụng rồi còn cuốc bộ mấy cây số đến trường. Nghĩ lại kỉ niệm đó mà vẫn thấy vui.
Nhưng quanh chiếc cối ấy đâu phải chỉ có những câu chuyện như thế. Lớn lên tôi mới hiểu, để làm ra những chiếc bánh đều tắp và thơm ngon ấy, bà và mẹ đã phải thức dậy từ rất sớm. Bà không muốn xay bột làm bánh từ hôm trước bởi sợ qua đêm bánh sẽ chua, làm người ăn không được thưởng thức vị thơm ngon của gạo nếp, đỗ xanh, đường mía…
Những chiếc bánh được bắt đầu từ khi gà gáy sáng, trời đất còn u ám bà với mẹ đã dậy rửa cối xay bột. Tiếng cối ù ù không đủ sức đánh thức lũ trẻ vô tâm đang tuổi ngủ say gáy o o trong chăn ấm, ô rơm như chúng tôi.