Dân Việt

Kỳ công "phun mưa", thốc quạt để... bò, lợn, gà bớt nóng

Việt Tùng 08/05/2015 06:30 GMT+7
Dùng quạt công nghiệp thốc, dùng máy bơm để rửa mát nền chuồng, phun lên mái tạo mưa… để “hạ nhiệt” cho vật nuôi. Họ chăm vật nuôi như con nhỏ vậy, vất vả và tốn kém.

Chăm vật nuôi như chăm con

Mấy ngày nay miền Bắc “nhễ nhại” trong “chảo lửa” khi phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 – 41 độ C, khiến người dân vô cùng ngột ngạt. Nhưng có lẽ khổ nhất là những người chăn nuôi lợn, gà, bò sữa… Chúng tôi đội nắng đến các trang trại tận mắt chứng kiến muôn kiểu chống nóng cho vật nuôi của họ và những hệ lụy họ phải gánh chịu do “chảo lửa” gây nên.

img
Anh Hoàng Văn Cường, đội 12B, xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) ngày phải tắm cho lợn 5 – 6 lần, bật quạt 24/24 giờ để giảm nhiệt cho đàn lợn. Ảnh: Việt Tùng
Chị Nguyễn Thị Thúy, xóm Hòa Hợp, xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) đang nuôi gần 8.000 gà thịt và gà đẻ phải lắp 4 quạt trần để hạ nhiệt cho gà. Ngoài ra chị còn tăng cường thêm mỗi chuồng 1 quạt công nghiệp, đồng thời trên mái chị dùng hệ thống phun mưa làm ướt mái để hạ nhiệt. “Năm ngoái tôi suýt nữa thì hỏng mất lứa gà đẻ, năm nay tôi phải mua thêm 2 máy nổ để đề phòng mất điện. Với nhiệt độ này, chỉ cần mất điện nửa tiếng là đàn gà lăn ra chết ngay” – chị Thúy cho hay.

Mặc dù đã trang bị hiện đại từ máy quạt, hút gió, tấm tản nhiệt, nhưng cái nắng 40 – 41 độ C cũng đang gây khó khăn không nhỏ cho ông Đào Xuân Hải – chủ trang trại có tới 60.000 con gà đẻ và 5.000 gà thịt ở xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Ông Hải chia sẻ: “Những ngày nắng nóng này tôi phải huy động gần như 100% công nhân túc trực, kiểm tra thường xuyên nhiệt độ trong chuồng. Bởi bản thân chuồng gà đã nóng, cộng với hơi nóng từ phân bốc lên, nắng trời giáng xuống, nếu mất điện mà mình không kịp thời xử lý thì rất nguy hiểm”.

Anh Trần Thế Toàn, chủ trang trại hiện đang nuôi hơn 25 lợn nái và gần 300 lợn thịt ở xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: “Để phòng những đợt nắng nóng, tôi đã đầu tư một hệ thống phun mưa bằng máy bơm hơn 30 triệu đồng và tăng cường thêm quạt cây, quạt treo tường, nhờ đó nhiệt độ trong chuồng giảm xuống khoảng 5 – 7 độ C so với ngoài trời, với ngưỡng này lợn vẫn khỏe và phát triển tốt”.

Bò sữa có thân nhiệt nóng hơn rất nhiều so với trâu, lợn, gà, nó chỉ thích hợp với ngưỡng nhiệt 27 – 35 độ C, nên việc chống nóng cho bò rất vất vả. Anh Hoàng Văn Thương, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) đang nuôi 30 con bò ngao ngán nói: “Nhiệt độ như mấy ngày nay nếu không có biện pháp chống nóng thì rất nguy hiểm. Nhiều người cứ nghĩ nóng thì tắm cho bò, nhưng làm thế là phản khoa học, bởi bò rất dễ bị cảm. Nên người có thể không có quạt, chứ bò nhất thiết phải có quạt”.

Vất vả, tốn kém

Hầu hết các chủ trang trại đều khẳng định, những ngày nắng nóng họ không chỉ vất vả mà các nguồn thu còn giảm, song lại tốn kém đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho việc chống nóng. Anh Thương cho hay, nếu trước đây mỗi con bò cho 22 – 30 lít sữa, thì nay giảm khoảng 20%. “Bò có ăn khỏe thì mới cho nhiều sữa, nóng bò ăn kém, cho sữa kém, trong khi đó mình còn tốn thêm hàng trăm triệu đồng tiền điện” – anh Thương cho hay.

Theo ông Hải, trung bình mỗi ngày trang trại của anh tiêu thụ hết 2 triệu tiền điện, còn những ngày nóng này mất khoảng 3 triệu đồng. “Không chỉ mỗi ngày mất thêm 1 triệu đồng tiền điện mà gà đẻ cũng giảm khoảng 15%, cứ đà này cũng căng” – ông Hải nhẩm tính.

Không chăn nuôi thành trang trại lớn như ông Hải, nhưng mỗi ngày gia đình chị Thúy cũng “hụt” đi vài trăm ngàn đồng. Chị Thúy cho hay: “Chăn nuôi chịu rủi ro từ thiên tai, thời tiết, dịch bệnh rất cao. Chưa nói đến dịch bệnh, chỉ nói đợt nắng nóng này chúng tôi đã phải chịu rất nhiều chi phí”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, từ đầu đợt nắng nóng đến nay phòng đã phối hợp với các xã tuyên truyền cho bà con cách chống nóng, bảo vệ vật nuôi. Theo ghi nhận, hiện chưa có con lợn, gà, trâu, bò... nào chết do nắng nóng.