Quán cổ Trung Tân được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng vào năm 1542 tại thôn Trung Am - quê ngoại ông, bên dòng sông Tuyết Giang. Quán do ông thiết kế, bỏ tiền và đôn đốc học trò xây dựng. Tại đây, ông dựng một bia đá, khắc bài văn bia bất hủ “Trung Tân quán bia ký” thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của ông. Nơi đây đã được nhà nước Phong Kiến liệt hạng là một trong 14 cổ tích xứ Đông.
Quán cổ Trung Tân là bến "thảnh thơi" của cuộc sống tiêu giao, của trăng thanh gió mát và trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh khá độc đáo của dân làng và của du khách thập phương.
Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ "An Nam Lý Học"; Khu vườn gồm các bức tượng và ngôi nhà ba gian lợp cói dựng phía sau đền, mô phỏng am Bạch Vân, nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi từ quan về dạy học, tạo nên một khung cảnh gần gũi và sống động với du khách tham quan.
Xem những hiện vật tại nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thấy được công đức của Trạng Trình với nước Việt xưa. “Sấm Trạng Trình” là những lời tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các biến cố chính của dân tộc Việt trong khoảng 500 năm (từ năm 1509 đến khoảng năm 2019). Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê... như: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài). "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn)…
(Bài viết có tham khảo một số tư liệu Wikipedia).