Dân Việt

Vào hợp tác xã, mỗi hộ thu 800 triệu đồng/năm

gia bình 08/05/2015 10:29 GMT+7
Rất nhiều hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp hiện nay đã tự tìm cách hoạt động theo “kiểu mới” của riêng mình. Mỗi HTX có một cách làm, hoạt động riêng, bước đầu đã thành công và bước được chân vào kinh tế thị trường. Điểm chung của các HTX này đều là, lấy lợi ích của xã viên làm mục đích cốt lõi trong mọi hoạt động.

2 bên đều có lợi

Mặc dù “đóng” trên địa bàn huyện miền núi xa xôi Bảo Thắng, Lào Cai, song HTX Chăn nuôi Quý Hiền được coi là một trong những mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tiêu biểu. Chia sẻ về thành công của HTX, ông Phạm Quốc Ân- Chủ nhiệm HTX Quý Hiền cho rằng, điểm khác biệt căn bản của HTX so với các hộ cá thể là: HTX làm những việc mà hộ cá thể không làm được. Chẳng hạn như quy hoạch sản xuất, cân đối thị trường; HTX đã tổ chức dạy nghề chăn nuôi, thú y cho xã viên, xây dựng quản lý và sử dụng các loại quỹ, đặc biệt là quỹ dự phòng rủi ro, nhờ có quỹ nên không có hộ nào phải bỏ đàn.

img
Xã viên HTX Quý Hiền khấm khá nhờ chăn nuôi gà. Văn Việt
Một điểm nữa, theo ông Ân là HTX phải làm những việc cá thể hoặc hộ cá thể có thể làm được nhưng không hiệu quả như huy động vốn, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, tiêu thụ sản phẩm… Từ quan điểm hoạt động đó, đến nay doanh thu của HTX Quý Hiền đã đạt được 60 tỷ đồng, thu nhập của hộ cao nhất đạt 800 triệu đồng và hộ thấp nhất là 130 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Ân đó chưa phải là con số lớn, quan trọng là khi vào HTX, các hộ xã viên đã có 4 cái được, đó là: Kinh tế hộ đã khá giả lên; xây dựng cho xã viên nhân cách sống, sống thật thà, tử tế hơn; các hộ xã viên đều được học nghề miễn phí; được hưởng các phúc lợi cần thiết khi ốm đau, bệnh tật…

Ở chiều ngược lại, HTX cũng có 3 cái được là: Hàng hóa HTX có tính cạnh tranh cao, khách hàng đã mua gà của Quý Hiền không muốn mua gà khác nữa; sử dụng vốn có hiệu quả, hệ số quay vòng vốn cao, HTX không có tiền nhàn rỗi, tài khoản HTX không có số dư và cuối cùng là vị thế của HTX được nâng lên. “Theo tôi, HTX nên có mục tiêu là không lấy lợi ích tự thân, mà nên lấy mục tiêu giúp đỡ các thành viên thu nhập ngày càng khá hơn. Đặc biệt, nên lấy đơn vị hộ làm đơn vị hạch toán kinh doanh, các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình và chịu trách nhiệm trong các phát sinh tài chính của hộ mình”- ông Ân chia sẻ.

Phải marketing cho HTX kiểu mới

Quan điểm

Ông Phạm Quốc Ân
  HTX nên lấy mục tiêu giúp đỡ các thành viên có thu nhập ngày càng khá làm chính yếu. Đặc biệt, nên lấy đơn vị hộ làm đơn vị hạch toán kinh doanh, các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình và chịu trách nhiệm trong các phát sinh tài chính của hộ mình.  
Tương tự, HTX Phước Lộc (xã An Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) dù mới có 18 thành viên, nhưng có quy mô hoạt động, cũng như tổ chức rất bài bản, không thua kém gì các doanh nghiệp. Hiện HTX có tới 54 ngành, nghề sản xuất kinh doanh, từ trồng trọt, chăn nuôi đến dịch vụ ăn uống, vận tải, bốc xếp hàng hóa và cả chế biến, bảo quản thịt… Về tổ chức bộ máy, HTX cũng có giám đốc, ban kiểm soát, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh, kế toán trưởng... Sau khi chỉ rõ những lợi ích mà HTX kiều mới đem lại, ông Lâm Văn Bạch- Chủ nhiệm HTX Phước Lộc nêu quan điểm: “Điều quan trọng hơn cả là làm sao cho đa số nông dân hiểu được bản chất, mục tiêu của HTX kiểu mới để họ tham gia và cùng nhau phát triển. Do vậy, cần có mục đích, kế hoạch marketing để phát triển HTX kiểu mới rõ ràng. Làm cho nông dân hiểu được kinh tế HTX là của chính họ, họ là một cá thể quan trọng của HTX”.

 

Hiện tại với sự liên kết của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), HTX Phước Lộc đang tiến hành liên kết những hộ nhỏ lẻ lại thành tập thể có tiếng nói chung với mục tiêu trong 1 năm đầu tập trung vào việc tập hợp các công cụ sản xuất, con người và vốn đầu tư. HTX Phước Lộc cũng đã xây dựng phương án sản xuất trên diện tích 500ha đất với quy mô 1.500ha lúa/năm, thu hút 166 hộ tham gia.

Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Hiệp - Giám đốc HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), điều quan trọng nhất của HTX là phải tổ chức được sản xuất theo một quy chuẩn chung. Như HTX Chè Tân Hương đã từng bước tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần được coi trọng hàng đầu, từ đó xây dựng được thương hiệu riêng cho chè Tân Hương. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tham gia các hội chợ, hội thi, hội thảo để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Từ năm 2013 đến nay, HTX đã có website để đăng tải các thông tin về sản phẩm chè của HTX và bán hàng”- bà Hiệp chia sẻ.

Đến nay, HTX Chè Tân Hương đã có 13ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, đạt sản lượng 27 tấn chè búp khô hàng năm. Toàn HTX có 42 thành viên, với số vốn hoạt động 1,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi sạch Sóc Sơn: Mỗi thành viên là một “ông chủ”

Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) mới được thành lập đầu năm 2015, đây không phải là HTX, nhưng được hoạt động tương tự như một HTX, tuy nhiên có sự vận động linh hoạt. Linh hoạt ở chỗ chúng tôi không bị gò bó bởi số người tham gia, thời gian, vốn. Mà mỗi thành viên là một cổ đông, đồng thời cũng chính là “ông chủ”. Điều các thành viên phải phụ thuộc và bắt buộc phải làm theo là phải lấy giống gà đạt chuẩn, chăn nuôi theo đúng quy trình gà đồi sạch mà Hội, HTX đã đề ra, không được bán phá giá và tuyệt nhiên không vì lợi ích mà trà trộn gà kém chất lượng vào bán. Theo tôi, cần phải đổi mới phương thức hoạt động, thì mới có thể vực lại các mô hình Hội, HTX và chương trình xây dựng HTX kiểu mới mới thành công.

Ông Hoàng Ngọc Sang – Chủ nhiệm HTX Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình): Khâu vay vốn cần thoáng hơn

Nam Cường là một xã thuần nông với trên 95% diện tích canh tác bị nhiễm chua mặn, rất khó khăn trong sản xuất nông - ngư nghiệp. Song chỉ sau 4 năm thực hiện chuyển đổi 91ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả (chiếm gần 1/3 diện tích canh tác) sang làm đầm nuôi tôm sú, đời sống nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Hiện nay, trên 70% (505 hộ) dân Nam Cường đã trở thành chủ đầm, người nuôi nhiều từ 1 - 1,5 mẫu, thường thì 2 - 3 sào. Từ nuôi quảng canh, nay các hộ chuyển mạnh sang nuôi theo hình thức bán công nghiệp nên thu nhập ngày càng tăng, đạt từ 150 – 250 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hầu hết người dân và HTX vẫn phải từ mày mò hướng đi, tự xoay xở vốn, mà chưa có sự hỗ trợ nhiều từ nhà nước, liên minh HTX. Bởi trên thực tế, tài sản của HTX rất khó định giá, nên việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn, tôi nghĩ Nhà nước cần thay đổi có một cơ chế riêng cho các HTX, có như vậy các HTX mới có thể phát triển lớn mạnh được”.

Nam Tùng Sơn (ghi)