Dân Việt

Làng gốm cổ 500 năm tuổi bên dòng Thu Bồn

Quốc Anh 08/05/2015 15:00 GMT+7
Làng gốm Thanh Hà đến nay đã vào khoảng 500 năm tuổi, nằm bên bờ con sông Thu Bồn hiền hòa xanh trong 4 mùa. Thứ đất sét dẻo quánh ven sông và bàn tay tài hoa của người thợ gốm đã làm nên những sản phẩm mộc mạc mà vô cùng tinh tế. 

Từ những người mở cõi

Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam), cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng Tây.

img
Du khách nước ngoài thích thú chiêm ngưỡng những công đoạn chế tác gốm. (ảnh Thùy Linh)

Làng quê Thanh Hà yên bình với nghề làm gốm này có từ thế kỷ 15-16. Nhiều người trong làng kể lại, những người thợ lành nghề khi di cư vào miền Nam, khi lưu lạc đến vùng đất Quảng Nam này thấy thổ nhưỡng cùng khí hậu thuận lợi thì ở lại và phát triển làng nghề từ đó. Từ Hội An, du khách có thể đi thăm làng gốm bằng đường bộ hoặc bằng thuyền dọc theo sông Thu Bồn. Sản phẩm gốm Nam Diêu Thanh Hà chủ yếu là gốm thô, không men, xương gốm mịn, hình dáng mềm mại, cân đối. Một số đồ gia dụng có trang điểm hoa văn, viền chỉ, có thể có men đơn sắc vàng, nâu đen…

Ông Huỳnh Công Xanh- Nghệ nhân làng gốm cho biết: “Nghề gốm trong làng được ông cha truyền lại, đến nay đã được vào khoảng 500 năm. Trước đây, Thanh Hà là một vùng gốm vô cùng tấp nập, nhộn nhịp vì nằm ngay cạnh con sông Thu Bồn, rất dễ dàng và thuận lợi để vận chuyển đồ gốm đi khắp nơi. Thời kỳ thịnh vượng, gốm làng tôi đã từng được tiêu thụ khắp miền Trung, thậm chí còn xuất khẩu cả sang một số nước trong khu vực”.

Hiện tại, ở làng Thanh Hà có khoảng 30 hộ làm gốm với đội ngũ nghệ nhân vô cùng lành nghề. Chẳng trải qua trường lớp nào nhưng những nghệ nhân là nông dân nơi đây có thể dùng bàn tay khéo léo của mình nặn ra những chiếc nồi, bình, ấm tách, chậu cảnh, đĩa trang trí… rất thuần thục và tinh xảo. Đất sét sông Thu Bồn dẻo, nhẹ và có tính kết dính rất cao nên tạo thành một đặc tính riêng cho sản phẩm gốm của Thanh Hà, màu men nâu của đất ven sông tự thân nó đã tạo thành một gam màu thực sự đặc biệt mà không phải làng gốm nào cũng may mắn có được.

Công viên đất nung lớn nhất

Ngày 30.4 vừa qua, Công viên Văn hóa đất nung Thanh Hà tại làng gốm truyền thống Thanh Hà đã được khánh thành với diện tích 6.800m2, kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng. Công trình khởi công từ năm 2011, lấy ý tưởng từ chiếc bàn chuốt như vòng quay phát triển của làng nghề và dùng phương pháp đất nung toàn bộ không gian kiến trúc, tạo nên một không gian văn hoá, kết nối du khách với làng nghề.

Đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá giữa các làng nghề, từng bước sưu tập, hình thành bảo tàng của làng nghề, đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm đa dạng, hướng đến sự phát triển bền vững của làng nghề gốm.

Công viên đất nung Thanh Hà hiện nay đã mở cửa để đón khách tham quan, đến đây, du khách có thể chu du làng gốm Thanh Hà, tham gia trải nghiệm làm gốm, tận mắt xem kỳ quan thế giới được tái hiện bằng đất và còn được nhận quà tặng lưu niệm. Du khách rất thích thú khi được chiêm ngưỡng các công trình văn hóa nổi tiếng trong nước như Quốc tử giám Hà Nội, Thành nội Huế, Đô thị cổ Hội An… cũng như các kiến trúc nổi tiếng thế giới như Kim tự tháp, đền Pathenon, đấu trường Coliseum, Khải hoàn môn, tháp nghiêng Pisa, nhà hát Con sò… được thu nhỏ và tái hiện bằng chất liệu gốm. Ngoài các sản phẩm đặc trưng của làng gốm Thanh Hà, Hội An, ở đây còn giới thiệu công nghệ gốm thuộc các làng nghề nổi tiếng như: Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh...

Công viên đất nung không chỉ là nơi để trưng bày, triển lãm sản phẩm từ gốm, đất nung mà sẽ trở thành không gian sáng tạo của người nghệ sĩ từ khắp mọi nơi. Tuần tự 2 tháng một lần, công viên sẽ tổ chức trại sáng tác gốm cho các nghệ sĩ tương tự như mô hình nhà sáng tác tại Đà Lạt.