Để trồng được giàn bông giấy vươn lên với đủ màu sắc, người quê tôi phải chăm sóc trong thời gian khá lâu, nếu không chịu khó, bỏ dở giữa chừng thì trở thành “công cốc”.
Đầu tiên, phải làm một cái giàn thật chắc chắn làm chỗ cho cây leo. Có một điểm độc đáo là 4 cây cột làm giàn, chủ nhà thường làm bằng cây gòn để đảm bảo rằng khi bông giấy tươi tốt thì gòn cũng đã bắt rễ xanh tươi. Khi bông giấy tươi tốt, có nhiều cành lá thì chủ nhà phải chăm tỉa tót, uốn cho cành bông giấy quấn quanh thân cây gòn, vươn cành lá um tùm leo lên giàn phía trên.
Những chùm bông giấy đủ màu sắc đỏ, trắng, vàng hòa nổi bật trên nền xanh của lá gòn khiến ai đi ngang qua cũng thấy mát mắt, ngắm nhìn, ngợi khen chủ nhà khéo tay trồng. Có được cổng rào với giàn bông giấy đơn sơ mà tuyệt đẹp là niềm hãnh diện của chủ nhà với bà con, chòm xóm xung quanh.
Và đâu chỉ người lớn, những đứa trẻ quê tôi cũng có nhiều kỉ niệm với giàn bông giấy. Buổi sáng hè, khi mặt trời vừa ló dạng, những tia nắng ban mai nhảy nhót trên cánh hoa giấy mỏng manh, đâu đó tiếng chim hót ríu rít vui tai, lũ trẻ chúng tôi đã tụ tập nhau, con gái thì hái những chùm hoa giấy đỏ tươi, khéo léo kết thành vòng hoa đeo cổ, đeo tay hay cắm vào lọ làm đẹp “nhà chòi” do con trai chúng tôi vừa làm xong.
Những chiếc lá bông giấy non thường được lũ trẻ dùng làm tiền khi chơi trò buôn bán hay. Còn riêng tôi có một “tuyệt chiêu” với những chiếc lá hơi già, màu xanh thẫm, đó là: Tôi để chiếc lá lên lòng bàn tay, với ngón cái cong tròn, hơi khum khum rồi vỗ mạnh để lá bị sức ép làm rách tung tạo nên một tiếng nổ giòn tan.
Những buổi trưa hè, trời nắng gắt, chúng tôi tụm năm, tụm ba dưới bóng mát của giàn bông giấy, say mê chơi những trò chơi: bắn bi, nhảy dây, đánh đáo… Đôi lúc nghịch ngợm, tôi xé rời từng cánh hoa mỏng manh rồi thả tung bay theo làn gió hiếm hoi của mùa hè đưa đẩy cả tiếng nói cười, cãi cọ của lũ trẻ lan tỏa cả xóm làng.