Dân Việt

Kỳ vọng đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ

Quốc Hải (thực hiện) 09/05/2015 08:38 GMT+7
Nhìn từ những chỉ tiêu thống kê có thể thấy Đông Nam Bộ (ĐNB) là trung tâm quan trọng của nền kinh tế cả nước, thế nhưng tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn cho rằng sự phát triển của vùng này lâu nay vẫn chưa xứng với tiềm năng.

LTS: Từ tháng 5.2015, Báo Nông Thôn Ngày Nay ra mắt trang Đời sống Đông Nam Bộ vào thứ Bảy hàng tuần. Chuyên trang sẽ tập trung phản ánh đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất có nhịp sống năng động hàng đầu cả nước này. Để trang báo có nhiều sức sống,  rất mong sự cổ vũ, đóng góp của quý bạn đọc. Tin, bài cho chuyên trang này xin gửi về địa chỉ ntnnhn@gmail.com. 

Ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của ĐNB trong phát triển kinh tế -xã hội chung của đất nước?

-Thực tế đã chứng minh, nhờ vị thế địa kinh tế quan trọng đã giúp ĐNB trở thành vùng kinh tế mở cửa năng động, đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế và cầu nối Việt Nam với thế giới.

img
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần công nghiệp gỗ Kaiser VN (KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương).  
Đến nay, vùng ĐNB chiếm 38% GDP, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước, hơn 2,5 lần so với vùng đồng bằng sông Hồng (vùng có GDP đầu người cao thứ 2 cả nước), là vùng có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Thực tế, 6 trên 13 địa phương có đóng góp cho ngân sách trung ương đều thuộc các tỉnh ĐNB, đã chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế khu vực này…

Là vùng có lợi thế nhất cả nước, những đóng góp như vậy của ĐNB, theo ông, liệu đã tương xứng?

-Có thể nói, ĐNB là địa phương thu hút đầu tư mạnh nhất. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều tập trung phần lớn các khu công nghiệp, trong các khu công nghiệp này lại được lấp đầy chứ không có hiện tượng bỏ hoang như nhiều tỉnh thành khác. Cảng biển thì khu vực này có các cảng biển lớn thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép - Thị Vải) và TP.HCM (cảng Cát Lái), chiếm tỷ trọng lớn trong giao thương quốc tế. Ngoài ra, ĐNB cũng là địa phương phát triển mạnh các cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, trong lĩnh vực chăn nuôi thì ĐNB tập trung hầu hết các nhà chế biến thức ăn lớn trong và ngoài nước, cũng nơi dẫn đầu cả nước về chăn nuôi…

Tuy nhiên, tôi cho rằng phát triển đó chưa đúng với tiềm năng, là vì dù có lợi thế nhưng các địa phương chưa khai thác hết được. Lấy ví dụ, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) dù rất tốt, nhưng do quy hoạch giao thông đường bộ chưa tốt, nên phần lớn giao thương quốc tế đổ về Cái Lái (TP.HCM), gây ùn ứ. Hoặc dù có tiềm năng phát triển cây cao su nhưng hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác cây bán mủ, chưa có các sản phẩm cao su công nghiệp, công nghệ cao…

Chính sách phát triển cảng biển hay nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất đã được hoạch định từ hàng chục năm nay, nhưng vì sao thực trạng này vẫn kéo dài?

-Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi sâu xa nhất vẫn là bởi các “thành viên” vẫn đang còn duy trì tư duy kinh tế cục bộ từng tỉnh, thiếu đi sự hợp tác, liên kết hoặc có liên kết mà chưa phát huy tác dụng, chưa có phối hợp của toàn vùng. Tôi ví dụ, nói đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ hàng chục năm nay đã có ban chỉ đạo, nhưng sự điều phối phát triển chung vẫn chưa thực hiện được.

Vụ việc lấp sông Đồng Nai gần đây mà báo chí nêu là một ví dụ. Thực tế đây là vấn đề chung về tài nguyên, môi trường, nhưng khi xảy ra vụ việc các tỉnh cũng không ngồi với nhau được để giải quyết. Thậm chí là từ hàng chục năm nay đã tồn tại cái gọi là Ban chỉ đạo lưu vực sông Đồng Nai - sông Sài Gòn nhưng cũng không thấy ai lên tiếng.

Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để khắc phục, từ đó ĐNB thực sự thành đầu tàu phát triển kinh tế cả nước?

-Như tôi đã nói, các thành viên của vùng kinh tế ĐNB phải cùng nhau phối hợp tốt để tháo gỡ 4 lĩnh vực, gồm: Thứ nhất là phân bố lực lượng sản xuất một cách có hiệu quả, thứ hai là giải quyết giao thông nối kết để giảm chi phí cho DN, thứ ba là phát triển một thị trường nguồn nhân lực chung, thứ tư là giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường chung.

Chẳng hạn, đối với các địa phương lân cận, TP.HCM là “hậu cần” để thu hút đầu tư phát triển. TP.HCM tập trung các ngành nghề dịch vụ, tài chính, ngân hàng, đào tạo cung ứng nhân lực…, còn các tỉnh sẽ phát triển các khu công nghiệp. Ví dụ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển rất mạnh thu hút vốn FDI, thì TP.HCM là nơi các chuyên gia chọn để ăn, ở, sinh hoạt, giải trí… Như vậy cũng đồng thời giảm áp lực tăng dân số lao động phổ thông cho TP.HCM.

Xin cảm ơn ông!

   Vùng ĐNB chiếm 38% GDP, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước, hơn 2,5 lần so với vùng đồng bằng sông Hồng (vùng có GDP đầu người cao thứ 2 cả nước), là vùng có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Thực tế, 6 trên 13 địa phương có đóng góp cho ngân sách trung ương đều thuộc các tỉnh ĐNB, đã chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế khu vực này… 

TS Hoàng Quốc Tuấn, trung tâm Quy hoạch nông nghiệp miền Nam: Phát huy lợi thế nông nghiệp đô thị

Vai trò của nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) không phải là để đáp ứng nhu cầu cho quốc gia mà là để đáp ứng cho thị trường. Trước hết, chúng ta phải xác định rằng thị trường vùng ĐNB hiện nay là rất lớn với đặc điểm mật độ dân số cao, tập trung nhiều đô thị, khoảng hơn 20 triệu người, trong đó có những thành phố lớn có sức tiêu thụ cao hơn so với các vùng khác, đặc biệt là nhu cầu chất lượng cũng cao hơn… 

Nói như vậy để thấy rằng thị trường vùng ĐNB dù lớn nhưng lại cũng có sự đòi hỏi khá cao nên muốn phát triển nông nghiệp thì phải lựa chọn mô hình phù hợp về các mặt đất đai, lao động, rồi phải tính cả yếu tố   ô nhiễm môi trường.

PSG-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Cần chiến lược về nước và giống

Điểm yếu của nông nghiệp ĐNB hiện nay là khâu nước tưới và giống cây trồng.  Năm nay chỉ mới đầu tháng 3, các vườn cây đã khô khốc vì thiếu nước, hệ thống sông ngòi ở ĐNB cũng không nhiều như ở ĐBSCL, lại “vướng” nhiều đập thủy điện, mạch nước ngầm cũng có phần hạn chế. Trong tương lai, việc sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp phải được xem là chiến lược cấp quốc gia ở vùng này.  

So với ĐBSCL, khâu giống của nông dân các tỉnh ĐNB vẫn còn thua kém hơn. Ví dụ như với cây sầu riêng, trong khi nhà vườn ĐBSCL đã thay các giống mới như Ri6, Monthong từ nhiều năm trước thì ở ĐNB, vẫn còn những vườn sầu riêng giống cũ, gốc to lớn, được trồng từ hàng chục năm trước. 

Ông Vũ Minh Long - TGĐ Công ty CP Phát triển nông nghiệp ADECO: Tập trung nhiều “ông lớn” chăn nuôi

Theo đánh giá, tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi ở Đồng Nai nói riêng và các tỉnh ĐNB nói chung vẫn còn rất lớn. Đó cũng là lý do phần lớn các công ty chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… đều có nhà máy hoặc đặt trụ sở chính tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương. Phương thức chăn nuôi của bà con nông dân các tỉnh ĐNB cũng hiện đại hơn, bài bản hơn so với các vùng khác.

Đối với ADECO, ĐNB cũng chính là thị trường trọng điểm của công ty. Nhờ mạng lưới giao thông tốt, thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nên các trang trại chăn nuôi khi hợp tác mua sản phẩm của ADECO, chỉ cần một ngày là sản phẩm có thể được giao đến nơi.

Ông Nguyễn Quang Hợp - Giám đốc  Công ty Hưng Thịnh (Tây Ninh): Thuận lợi cơ giới hóa, nhưng chưa nhiều

Các tỉnh ĐNB có lợi thế lớn để phát triển ngành mía đường, các tỉnh đều có điều kiện thuận lợi hơn vùng ĐBSCL trong việc cơ giới hóa sản xuất cây mía do đất trồng ở đây là đất đồi, gò, ít sụt lún. Dù vậy nhưng những năm qua, hoạt động sản xuất, chế biến mía đường trong nước phát triển không như mong đợi. Cái khó của vùng mía nguyên liệu ở ĐNB là diện tích ruộng mía mỗi hộ quá nhỏ, chỉ từ 3 – 7ha. Muốn cơ giới hóa thì phải gấp rút làm cánh đồng lớn. 

Ở Hưng Thịnh, dù có diện tích trang trại mía đạt 1.500ha, công ty cũng đã đầu tư hai máy thu hoạch mía liên hợp. Dẫu vậy, mùa vụ 2014 vừa qua, Hưng Thịnh cũng chỉ mới thu hoạch mía bằng máy được 50% diện tích.

Thuận Hải – QH (ghi)