Bạn đọc có thể giảm
Tờ Ordinari Post Tijdender xuất bản từ năm 1645 cho đến nay ở Thụy Điển, dù hiện tại chỉ còn bản online; tờ báo in La Gazeta xuất bản từ 1661 cho đến tận ngày nay (với tên Buletin Oficial del Estado) tại Madrid Tây Ban Nha... Tôi chúc NTNN hoạt động tốt thêm khoảng 30-35 năm nữa, đến khoảng 2050, rồi sẽ tính sau.
Nông dân là bạn đọc chung thủy của Báo NTNN nhiều năm qua (ảnh minh họa). |
Bạn đọc chính của NTNN chắc phải ở nông thôn. Việt Nam muốn thành nước công nghiệp theo hướng phát triển vào năm 2020. Như thế dân số nông thôn sẽ phải giảm.
Dân số nông thôn của các nước phát triển còn rất thấp. Hãy ngó tỷ lệ dân số nông thôn của một số nước phát triển và vài nước lân cận: Bỉ 3%; Anh 11%; Đức 12%; New Zeland 14%; Đan Mạch 15%; Thụy Điển 17%; Hàn Quốc, Mỹ và Canada đều cùng 20%; Pháp 24%; Cộng hòa Czech 26%; Nga 27%; Hà Lan 30%; Thụy Sĩ 32%; Hungary, Nhật Bản 35%; Malaysia 36%; Ba Lan 38%; Philippines 39%.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 1990 dân số nông thôn chiếm 80,49% tổng dân số, đến 2011 tỷ lệ này giảm xuống 68,25% (59,95 triệu). Trong 21 năm, cơ cấu dân số nông thôn chỉ giảm được 12,24%. Dân số nông thôn giảm chủ yếu là do đô thị hóa và di cư vào đô thị. Nhìn vào chuỗi số liệu dân số nông thôn này, thực ra dân số nông thôn liên tục tăng từ 1990 - 2008 (trừ 1997 giảm 0,46%) do tăng dân số nói chung, nhưng từ 2008 - 2011, dân số nông thôn thực sự giảm (0,04%, 0,01%, 0,04% và 0,77%). Trong khi đó, dân số đô thị tăng liên tục từ 19,51% năm 1990 lên 31,75% năm 2011, với tốc độ tăng ngày càng nhanh (khoảng 3-4%/năm và từ 2008 -2011 tốc độ tăng hàng năm là 3,9%, 3,69%, 3,64% và 5,18%).
Nếu duy trì được xu hướng từ 2008 - 2011 thì hy vọng cơ cấu dân số nông thôn sẽ giảm nhanh hơn trong thời gian tới. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, đến 2050 dân số nông thôn ở Việt Nam sẽ là 45,8 triệu trong tổng dân số 111,7 triệu người, tức là chiếm 41%. Tỷ lệ dân số nông thôn có lẽ sẽ thấp hơn dự báo của Liên Hợp Quốc. Nếu mức tăng dân số đô thị trung bình là 4%/năm, thì 2030 dân số đô thị sẽ tăng lên 2 lần (khoảng 56 triệu). Sau đó dân số đô thị sẽ không thể tăng nhanh như vậy. Nếu mức tăng từ 2030 - 2050 là 2%/năm thì đến 2050 dân số đô thị cỡ 80 triệu (72%). Nói cách khác dân số nông thôn sẽ còn 28%.
Nếu đạt mức dân số nông thôn khoảng 28-35% vào năm 2050 thì sẽ là một thành quả to lớn. Trong mọi trường hợp, số bạn đọc nông thôn của NTNN sẽ giảm mạnh nếu xu hướng biến động dân số nông thôn lành mạnh như hiện nay vẫn tiếp diễn.
Nhưng tương lai sẽ sáng...
Tất nhiên, với 20-35% dân số ở nông thôn vào năm 2050 thì bạn đọc tiềm năng của NTNN vẫn còn lớn, nhưng tôi vẫn không chúc tờ báo phát triển mạnh sau vài chục năm nữa, không chỉ vì lý do nhân khẩu học nêu sơ bộ ở trên.
Cơ cấu lao động phân theo vùng thành thị và nông thôn cũng gần giống như cơ cấu dân số. Năm 2000, lực lượng lao động nông thôn vẫn chiếm 76,9% lực lượng lao động (29 triệu 635 ngàn). Năm 2005, lực lượng lao động nông thôn là 33 triệu 443 ngàn (74,5%). Đến 2001, lực lượng lao động nông thôn vẫn còn 70% (36 triệu 146 ngàn), tức là chỉ giảm được 6,9%.
Số lao động đang làm việc ở vùng nông thôn năm 2000 là 28 triệu 693 ngàn (thất nghiệp gần 1 triệu người); năm 2005 là 32 triệu 85,8 ngàn (thất nghiệp gần 1,36 triệu); và 2011 là 35 triệu 619,5 ngàn (thất nghiệp hơn nửa triệu lao động). Cơ cấu lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp cũng sẽ giảm rất mạnh với sự phát triển của nền kinh tế.
Tổng số lao động đang làm việc vào 1.7 hàng năm được Tổng cục Thống kê công bố và năm 2005 là 42 triệu 775 ngàn lao động trong đó trong nông, lâm, ngư nghiệp là 23 triệu 563 ngàn (chiếm 55,1%); còn các số tương ứng của năm 2011 là 50 triệu 352 ngàn và 24 triệu 363 ngàn (chiếm 48,4%). Có thể thấy số lao động đang làm việc trong nông, lâm, ngư nghiệp đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn.
Một số nước công nghiệp phát triển có số lao động nông, lâm, ngư nghiệp rất nhỏ, dưới 10% lực lượng lao động; thí dụ 1,5% ở Anh và 3,3% ở Italia, Nhật Bản 7,2% (1988). Như thế, số lao động ở nông thôn làm trong các ngành dịch vụ và công nghiệp ngày càng nhiều. Xu thế này ở Việt Nam cũng bắt đầu. Số lao động đang làm việc ở vùng nông thôn năm 2011 là 35 triệu 619 ngàn, còn trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có 24 triệu 363 ngàn. Nếu giả sử họ đều thuộc vùng nông thôn thì số lao động nông thôn làm việc tại các ngành ngoài nông, lâm, ngư nghiệp là trên 11 triệu người!
Vùng nông thôn đang được công nghiệp hóa, đô thị hóa với nhịp độ nhanh chóng. Và quá trình này còn tiếp diễn nếu các số liệu thống kê của Việt Nam cũng dần dần giống của các nước phát triển. Và quá trình này còn kéo dài 30-35 năm nữa nếu chúng ta cố gắng giữ được tốc độ phát triển.
Đây là sự phát triển chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Báo NTNN nên bám sát sự phát triển kỳ vĩ này với nhiều thành công và chắc chắn có thể có tương lai sáng sủa trong 30-35 năm nữa.
Sau thời gian đó, nếu muốn phát triển, hẳn Báo NTNN sẽ phải có thay đổi cơ bản. Tất nhiên giữa chừng cũng phải tự thay đổi mình theo các bước tiến lớn của vùng nông thôn Việt Nam, song sau 30-35 năm nữa sự thay đổi phải từ gốc rễ vì đó sẽ là một nông thôn hoàn toàn khác và tờ báo cũng phải vậy.
Phải chăng lãnh đạo của NTNN đã có tầm nhìn xa khi tờ online lấy tên Dân Việt? Nếu thế thì rất có thể học từ tờ La Gazeta của Tây Ban Nha.
TS Nguyễn Quang A