Dân Việt

Lập Tổ phản ứng nhanh về nông thủy sản: Tránh phô trương, hình thức!

Mai Hương 13/05/2015 11:08 GMT+7
Trước tình trạng nông sản ế thừa, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý, giải quyết kịp thời những sự cố, vướng mắc, tồn đọng để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, mong mỏi của doanh nghiệp- nông dân lúc này là các hoạt động hỗ trợ cần thiết thực, tránh phô trương, hình thức...

Ý tưởng tốt…

Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nói là “xử lý sự cố thương mại” nghe to tát song Tổ này nếu được phép hình thành sẽ là một ý tưởng tốt, giúp tháo gỡ khó khăn, khúc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong quá trình xuất khẩu (XK) nông thủy sản. “Các vấn đề như hàng hóa bị thị trường cảnh báo, trả lại, thu giữ hay vấn đề ách tắc nông sản ở cửa khẩu qua biên giới…, qua Tổ công tác này sẽ được thu về một mối nhằm giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất để gỡ khó cho DN XK”-ông Hải nói.

img
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) ùn ứ vào tháng 6.2014 khiến không ít nông dân trồng vải lao đao. Đ.D

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì khẳng định: Tổ phản ứng nhanh này sẽ được tạo lập cơ chế để tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với các DN, hiệp hội ngành hàng theo định kỳ, xử lý giải quyết kịp thời các yêu cầu, vướng mắc từ phía DN cũng như các yêu cầu từ phía thị trường nhằm đưa ra các đối sách kịp thời và phù hợp để đảm bảo hiệu quả và thực hiện tốt mục tiêu XK nông thủy sản.

 

Cụ thể, thông qua Tổ này, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các công tác trọng tâm trong việc đàm phán, mở rộng thị trường cho các ngành hàng và thị trường trọng điểm. Hệ thống tiêu thụ và các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài qua đó cũng nắm rõ được những nội dung cụ thể, từ đó hướng tới hỗ trợ cho doanh DN, hỗ trợ phát triển thị trường.

Các doanh nghiệp chưa tin tưởng

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Vũ Hà-Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, cái gốc của việc nông sản ứ đọng không tiêu thụ được hiện nay do người nông dân, DN đang “mù tịt” về thị trường, trong khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ chỉ làm nửa vời, chung chung, hình thức. “Tổ công tác mà Bộ Công Thương kiến nghị thành lập sẽ không có đủ lực để giải quyết các vấn đề tồn tại của XK nông sản hiện nay”- ông Hà khẳng định.

Ông Hà ví dụ, XK nông sản qua biên giới liên quan rất nhiều đến biên phòng, hải quan, chính quyền địa phương hai bên biên giới chứ không chỉ là việc kiểm tra, kiểm soát. Thuế XK nông sản hiện nay đều là 0% nên vấn đề mấu chốt trong quan hệ thương mại này chỉ còn là cung-cầu, nếu không được hỗ trợ thông tin, hạ tầng một cách thực sự cho hình thức thương mại này thì ách tắc nông sản của ta qua biên giới sẽ không thể chấm dứt. Ngoài ra, chúng ta lại không thẩm định được các thông tin về thị trường của Trung Quốc, không có thông tin dẫn giải chính thống từ Nhà nước nên “bại” là điều khó tránh.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng nêu thực tế: DN của ta hiện nay hầu như không nắm rõ thông tin về mùa vụ, cung-cầu trên thị trường. Các thông tin phần lớn là một chiều trong khi có hiểu diễn biến thị trường chính xác thì DN mới có thể phản ứng kịp thời được. Nếu Bộ Công Thương và các tham tán cung cấp cho DN các thông tin chính xác, thường xuyên về từng mặt hàng thì khó có thể xảy ra ùn ứ, ách tắc với nhiều mặt hàng nông sản như hiện nay.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, chúng ta không thể khảo sát thị trường trong bốn bức tường với các cuộc họp mãi được. Tổ công tác của Bộ Công Thương có thể bắt tay vào việc tổ chức sản xuất nông sản trong nước theo thị trường được không? “Chúng ta đang sản xuất nông sản không theo nhu cầu của thị trường nên ách tắc là đương nhiên. Lâu nay, việc khuyến cáo nông dân sản xuất phù hợp với thị trường chưa làm được. Nông dân làm theo khuyến cáo cũng không bán được sản phẩm. Vậy cả DN, nông dân, cơ quan quản lý đều “có vấn đề”-ông Thắng phân tích.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc

Trung tâm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc (AKC) có trụ sở tại Seoul cho biết, trung tâm này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương Viêt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc đối với hàng nông sản Việt Nam” tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 13.5.

Tham dự hội thảo sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản. AKC sẽ cử các chuyên gia marketting tham dự hội thảo và có các bài thuyết trình về các chủ đề như xu hướng mới trong lĩnh vực mua bán và cung ứng sản phẩm, quy trình đấu thầu, phương pháp phát triển sản phẩm và kiểm soát chất lượng... Các chuyên gia Hàn Quốc cũng sẽ chia sẻ các thông tin cụ thể nhằm hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam như các phương pháp chế biến nhằm tăng năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thực phẩm trong nước trên thị trường toàn cầu…

Hằng Phạm
Ông Phan Xuân Quế- Chủ tịch  Hội đồng thành viên Tổng công ty lương thực Miền Bắc: Yếu kém về chuỗi liên kết

XK nông sản của ta sụt giảm, gặp khó về thị trường ngoài những yếu tố khách quan thì có một thực tiễn là sự yếu kém của chuỗi liên kết các thành phần tham gia từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ và XK. Trong khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khâu chế biến các mặt hàng của chúng ta cũng chưa được phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu của một số nước có nhu cầu chất lượng cao và khâu tiêu thụ với nguồn lực còn hạn chế của các doanh nghiệp XK. Theo tôi, XK nông sản nói chung và gạo của ta sẽ còn phải cạnh tranh gay gắt nên đòi hỏi sự hỗ trợ phải đồng bộ từ cơ chế chính sách, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cũng như cải cách thủ tục hành chính: Thuế, hải quan, quy định kiểm dịch... Chúng ta nên sớm có giải pháp cho vấn đề này.

Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế: Đừng để doanh nghiệp phải chạy theo

Chỉ cần công tác xúc tiến thương mại của chúng ta tránh được sự dàn trải, tập trung vào những nội dung, ngành hàng thiết thực và thị trường chủ lực cũng đã giúp doanh nghiệp XK nông sản rất nhiều. Bộ Công Thương nên có chỉ đạo nhằm phát huy vai trò của các tham tán thương mại để xử lý các vấn đề của thị trường trong ngắn hạn được báo trước hoặc những vấn đề đột xuất, tránh việc bị động. Trong nước, Bộ Công Thương nên phối hợp với Bộ NNPTNT định hướng cho các doanh nghiệp trong việc liên kết với người nông dân đối với các sản phẩm hàng hóa cụ thể, không thể để doanh nghiệp chạy theo người nông dân bao tiêu sản phẩm.

Hải Quỳnh (ghi)