4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Lê Phương (48 tuổi, xã Đại Hồng) đã bắt đầu với công việc thu hái những đồi thơm chín mọng trên đồi núi C1 (xã Đại Sơn). Từ 10 năm nay, bà Phương đã khai hoang 4 ha đất đồi để trồng thơm, phát triển kinh tế gia đình. “Vùng này, đất canh tác cho cây lúa không nhiều, hằng năm năng suất không đạt khiến người dân lao đao. Nhờ chuyển sang chuyển trồng thơm, năm nay được mùa bà con phấn khởi lắm”, bà Phương cho biết.
Giá cả thu mua thơm của thương lái năm nay khá ổn định, bình quân 60.000 đồng/chục thơm.
Để đưa thơm từ trên đồi xuống điểm tập kết mang đi tiêu thụ, người ta dùng trâu làm phương tiện vận chuyển. Hầu như nhà nào trồng thơm cũng có ít nhất một con trâu để làm sức kéo. Một số ít hộ canh tác trên diện tích nhỏ, nhu cầu sức kéo không nhiều thì khi đến mùa thu hoạch sẽ thuê trâu của các hộ khác.
Đàn trâu vượt đồi núi hiểm trở để mang thơm về điểm tập kết.
Những hình ảnh phóng viên Dân Việt ghi nhận tại xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc (Quảng Nam):
Dọc tuyến đường quốc lộ 14B từ xã Đại Hồng (Đại Lộc) lên đến thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) đầy ắp thơm 2 bên đường. Đi đâu cũng ngửi thấy mùi hương thơm ngào ngạt.