Đất rừng thành… trang trại
Ngày 14.5, có mặt tại vùng rừng do Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa) quản lý thuộc địa bàn xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa), chúng tôi tận mục sở thị hàng trăm ha rừng bị chặt phá tan hoang. Những thân gỗ lớn nằm la liệt, bãi nọ tiếp bãi kia, chỉ một số gỗ được xẻ làm trụ tiêu, còn lại đều bị đốt cháy nham nhở. Trên đất rừng mới phá, những căn nhà gỗ nhanh chóng mọc lên, xung quanh là trụ tiêu, giàn chanh dây, hố đào chuẩn bị trồng cà phê… Còn trên những khu rừng liền kề, hàng nghìn cây gỗ to đã chết đứng do bị cưa nửa thân, chờ gió lớn sẽ tự đổ hàng loạt.
Ông Y An Niê – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa – xác nhận, diện tích rừng do Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín quản lý đang bị tàn phá nghiêm trọng. Trong 4 tháng đầu năm 2015, tại các tiểu khu 1691 và 1705 đã xảy ra 51 vụ phá rừng, thiệt hại 102ha rừng tự nhiên. Chỉ riêng dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 11 vụ phá rừng, lập hồ sơ ban đầu 21 đối tượng.
Ai đứng sau các vụ phá rừng?
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ diện tích rừng bị phá đều được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa giao khoán cho các hộ. Nhưng việc giao khoán rất tùy tiện, trái quy định. Tại hợp đồng số 129/HĐGK, Công ty Gia Nghĩa giao khoán 3ha đất rừng cho bà Phạm Thị Tiến (xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong), thời hạn 29 năm để trồng rừng. Tuy nhiên, diện tích giao khoán cho bà Tiến có nguồn gốc phá rừng, chưa lập hồ sơ nên không đủ điều kiện giao khoán. Tương tự, ông Lê Văn Dương (trú tại phường Nghĩa Tân, Gia Nghĩa) cũng được công ty giao khoán 9ha đất rừng tại xã Quảng Thành, diện tích này cũng không đủ điều kiện giao khoán.
Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, chỉ riêng giai đoạn 2013-2014, Công ty Gia Nghĩa giao khoán gần 100ha đất rừng cho 30 hộ để trồng rừng. Trong đó nhiều hộ không cư trú tại địa phương, không sinh sống bằng nghề nông, thậm chí hồ sơ giao khoán là giả mạo (người có tên theo địa chỉ không hề nhận khoán)… Ngoài ra, còn 9 trường hợp công ty chưa cung cấp được hồ sơ giao khoán, do vậy không biết những ai đang sản xuất và thu lợi trên đất rừng.
Nhận khoán gần 100ha đất rừng nhưng đến nay các hộ mới trồng được 19,4ha rừng (cây muồng đen), còn lại đều trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây… Một số hộ còn phá rừng liền kề để tăng thêm diện tích canh tác, thậm chí xây nhà kiên cố trái phép trên đất rừng như bà Hồ Thị Thanh (trú tại xã Đăk R’moan, thị xã Gia Nghĩa).
Theo ông Y An Niê, chính việc giao khoán không minh bạch, để người nhận khoán sản xuất nông nghiệp trên đất rừng đã kích thích nhiều đối tượng khác phá rừng, bao chiếm đất đai. “Theo xác minh ban đầu, có cả người nhà của một số cán bộ trực tiếp hoặc liên kết phá rừng” – ông Y An Niê nói.