Trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viên Mỹ ngày 13.5, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á - Thái Bình Dương, ông David Shear thông báo rằng, ngoài việc tăng cường các đơn vị quân đội và lính thủy đánh bộ Mỹ xung quanh khu vực Tây Thái Bình Dương, “chúng ta cũng sẽ tăng cường các phương tiện của Không quân tại Australia, bao gồm máy bay ném bom và do thám B-1”.
Máy bay ném bom và do thám B-1 của Mỹ.
Ông Shear cũng cho biết, Mỹ dự định thách thức tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông.
“Chúng ta có quyền tự do đi lại tại những khu vực như vậy và chúng ta thực thi quyền đó thường xuyên ở khu vực Biển Đông cũng như trên toàn cầu”, ông Shear phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viên Mỹ.
Kế hoạch mới được tiết lộ vào thời điểm Mỹ muốn tăng cường lực lượng hải quân và không quân Mỹ tại khu vực Biển Đông nhằm đảm bảo quyền tự do đi lại và thách thức những tham vọng bành trướng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc thông qua việc xây dựng sân bay và đảo nhân tạo tại vùng biển này.
Mỹ triển khai máy bay ném bom B-1 nằm trong kế hoạch chuyển hướng quân đội nước này tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Máy bay ném bom B-1 Lancer được Không quân Mỹ triển khai lần đầu vào giữa những năm 1980 và dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai trò là máy bay ném bom chiến lược cho đến giữa những năm 2030.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ trước đó đã được triển khai tại Darwin (Australia), để tham gia tập trận với Không quân Australia trong năm 2012 và cuối năm 2014.
Khoảng 1.150 lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu tới Darwin tuần này để tham gia đợt huấn luyện kéo dài 6 tháng. Đây là đợt luân chuyển quân thứ tư tới Australia từ năm 2011. Kế hoạch này sẽ dần dần tăng số lượng lính thủy đánh bộ Mỹ luân chuyển tới Darwin lên 2.500 quân vào năm 2017.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ “quan ngại” về phát biểu của quan chức Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong một cuộc họp báo ngày 13.5 rằng, Trung Quốc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng “tự do hàng hải không cho phép tàu và máy bay quân sự của một nước tiếp cận không phận và lãnh thổ của một nước khác”.