Dân Việt

Độc đáo món kiến vàng nấu ống lồ ô của người Xơ Đăng

Tuấn Anh 17/05/2015 09:00 GMT+7
Về với Kon Tum, có rất nhiều món ăn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số mang hương vị núi rừng như: Món măng đắng luộc, đọt may kho thịt hay cá, rau dớn xào, hoa chuối rừng làm nộm và đặc biệt là món kiến vàng nấu ống lồ ô.
Món kiến vàng thể hiện được vẻ đẹp trong văn hóa ẩm thực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói chung và người Xơ Đăng nói riêng.

Đi bắt kiến vàng rất khó

Có dịp đi về thôn 7, xã Đăk Kôi (Kon Rẫy, Kon Tum) để gặp A Hyơh tìm hiểu về nghi lễ bắn dê, thì nghe già làng nói “bây giờ phải đi cùng một thanh niên trong thôn lên rừng để bắt kiến vàng về chế biến món ăn”. Nghe vậy, sự tò mò trong tôi đã dẫn bước theo chân già vào rừng để thỏa mãn sự mong ước. Để bắt được kiến về chế biến món ăn đâu phải là một chuyện dễ dàng, mà tôi lại lần đầu tiên được nghe.
img
Tổ kiến vàng mà già A Hyơh vất vả mới tìm thấy.
Để bắt kiến, bà con thường đi vào mùa khô, chứ mùa mưa khó bắt, mà ổ kiến thì nhỏ và trứng cũng ít. Dụng cụ bắt kiến chỉ là một cái dao/rựa và một cái bao bì để tóm chúng lại khi đã tách được ổ kiến ra khỏi nhành cây. Và tôi đã theo già A Hyơh vào rừng chừng 5 cây số rồi tìm những ổ kiến to, có nhiều trứng để bắt.
 
Khi vào tới rừng, nhìn bàn tay của già và anh thanh niên được bôi kín một lớp bùn (khỏi bị kiến cắn) và thao tác bắt kiến của họ rất nhanh. Những tổ kiến được bắt phải to bằng quả bóng chuyền và nằm ở những cây thấp như cây dây leo, cây bụi rậm. Chứ bắt ở những cây cao thì dễ vỡ tổ kiến và rất khó để bắt được chúng.

Lúc già A Hyơh chặt cành cây ngã xuống, cũng là lúc anh thanh niên lấy bao bì túm gọn tổ kiến, cho vào bao và cột túm lại không để kiến bò ra. Trong tay anh thanh niên bao giờ cũng có con dao sắc bén để cắt dây leo hay cành cây nhỏ nơi kiến làm tổ. Và bình quân mỗi tổ kiến được bắt cũng khoảng 1 đến 1,5 kg, nên chỉ cần bắt vài tổ kiến là chế biến được món ăn cho cả gia đình. Sau vài giờ đồng hồ thì tôi cùng già A Hyơh và anh thanh niên đã bắt đủ "cơ số" kiến chế biến món ăn và quay về nhà.
 
Nhưng là món ăn độc đáo

Lúc tới nhà già A Hyơh thì trời cũng đã về chiều nên tôi xin phép già ra về vì đường xa mà khó đi. Dù không được tận mắt thấy già chế biến món ăn, nhưng trong suốt quãng đường từ rừng về nhà, tôi đã được già A Hyơh kể cho nghe cách chế biến và các nguyên liệu cần thiết, để có một món ăn mang hương vị riêng của người Xơ Đăng nơi đại ngàn.

Theo lời kể của già A Hyơh, khi tổ kiến vàng lấy về thì bỏ vào nước sôi ngâm cho nó chết và loại bỏ chất bẩn rồi vớt ra cái nia cho ráo nước. Sau đó lấy lá cây, rác trong tổ ra, chọn kiến đen vứt đi và lấy trứng kiến để riêng. Khi đã làm sạch, để kiến vàng không bị chua thì đem vỏ cây chuối rừng đốt lấy mun và lấy xơ mướp lọc nước cho thật trong để nấu với kiến khỏi chua. Nếu đi bắt mà gặp được tổ nào nhiều trứng kiến vàng thì món ăn sẽ ngon hơn, cảm giác bùi của trứng.

Nguyên liệu để nấu món kiến vàng gồm có bột gạo, ớt, muối, bột ngọt và trộn chung với kiến vàng. Các nguyên liệu được trộn đều với kiến vàng thì bỏ vào ống lồ ô, lấy lá chuối quấn chặt một đầu lại và đem nướng trên bếp than. Sau khi nướng vài phút thì món kiến vàng đã chín và có thể thưởng thức ngay. Ăn món kiến vàng có vị dẻo, thơm của lúa mới, vị cay của ớt, cảm giác bùi bùi của trứng kiến hòa lẫn vào nhau mà không thể món ăn nào thay thế được.

Những lúc có món kiến vàng mà ngồi bên ghè rượu cùng thưởng thức thì họ quên hết đi những mệt mỏi sau ngày đi nương rẫy về. Không nhưng thế, món kiến vàng còn rất bổ dưỡng và là món ăn không thể thiếu trong dịp có lễ hội của bà con nơi đây. Ai mà được gia đình mời thưởng thức món ăn này, thì đó là người khách thực sự quý với họ, vì không dễ dàng gì mà có được món ăn này.