Ngày 16.5, trong chuyến công du đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tìm cách gây sức ép buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông, tuy nhiên đề xuất này của ông đã bị phía Trung Quốc “kiên quyết từ chối”.
Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên cả 2 bên đều không có dấu hiệu nào chứng tỏ sẽ thay đổi lập trường về các hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mỹ và phần lớn các quốc gia ASEAN đều muốn Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng những hòn đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa. Ông Kerry nói: “Chúng tôi lo ngại về tốc độ và quy mô xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Ông nói thêm: “Thông qua Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, tôi hối thúc Trung Quốc có những hành động nhằm chung tay với mọi người giảm bớt căng thẳng và tăng triển vọng cho giải pháp ngoại giao”.
Ngoại trưởng Kerry giải thích rõ thêm: “Tôi cho là chúng tôi đều đồng ý rằng khu vực này cần chính sách đối ngoại khôn ngoan để có thể hoàn tất bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc cũng như không có các tiền đồn hay đường băng quân sự (trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc)”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đáp lại rằng dù sẵn sàng đàm phán, song Trung Quốc sẽ không ngừng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực mà ông ta cho là “thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Ông Vương tuyên bố quyết tâm của phía Trung Quốc trong hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp này là “không thể lay chuyển”. Trong khi đó, ông này lại tìm cách “răn” Mỹ khi nói rằng những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được kiểm soát “miễn là hai bên có thể tránh hiểu nhầm và quan trọng hơn là tránh tính toán sai lầm”.
Các quan chức Mỹ cho hay kể từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp được khoảng 800 hecta đất đá lên các bãi cạn, rặng san hô để biến chúng thành đảo nhân tạo và thậm chí còn để xây dựng đường băng sân bay quân sự. Mỹ cũng tuyên bố rằng những hòn đảo nhân tạo này không hề có giá trị tuyên bố chủ quyền, và Trung Quốc không thể “xây nên chủ quyền” từ những hòn đảo phi pháp đó.
Mới đây, Lầu Năm Góc cũng đã xem xét kế hoạch điều máy bay, tàu chiến áp sát vào khu vực 12 hải lý quanh những hòn đảo này để đảm bảo quyền tự do đi lại và hàng không trên vùng biển quốc tế. Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Mỹ cũng vừa hoàn thành đợt tuần tra kéo dài 1 tuần trong khu vực này, bất chấp việc bị các tàu Trung Quốc liên tục bám đuôi, theo dõi.