Họ ngang nhiên đắp đê, đổ bê tông, thậm chí lập bè làm nhà hàng nổi, bến không phép hoạt động “rầm rộ”, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương mà cụ thể là thị xã Thuận An vẫn để cho tồn tại và hoạt động.
Từ Đại lộ Bình Dương rẽ vào một con hẻm sâu khoảng 300m, Khu du lịch Thanh Cảnh (khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TX. Thuận An) hiện ra với nhiều công trình xây dựng hoành tráng. Qua quan sát, chúng tôi thấy, Thanh Cảnh đang đầu tư xây dựng mới cụm nhà hàng có diện tích hàng ngàn mét vuông, rất nhiều công trình xây dựng kiên cố lấn ra mặt đê sông Sài Gòn cả trăm mét. Một số điểm “thủy tạ” tiến thẳng ra mặt sông, kế bên là bến neo đậu du thuyền…
Khu thủy tạ và bến du thuyền tại Khu du lịch Thanh Cảnh. |
Điều đáng nói, Thanh Cảnh đã đổ bê tông lấn sông, thậm chí đóng cọc nhồi xây nhà hàng nổi ngay trên mặt nước sông Sài Gòn. Bờ đê sông Sài Gòn đã biến thành đường nội bộ bên trong khu du lịch này.
Trở lại Khu du lịch Xanh Dìn Ký (tại xã Bình Nhâm, TX. Thuận An) ngay sau khi xảy ra vụ chìm du thuyền nhà hàng làm 16 người chết, trước mắt chúng tôi là một khối nhà hàng nổi có chiều dài hơn cả trăm mét xây dựng trên bè nổi đang đung đưa theo từng cơn sóng.
Bè nổi làm nhà hàng nổi của Dìn Ký lấn ra mặt sông Sài Gòn hơn cả trăm mét, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Không riêng gì Dìn Ký (tại xã Bình Nhâm) mà ngay chi nhánh Dìn Ký ở phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An cũng có hiện tượng đắp đê lấn ra mặt sông. Ở đây cũng có lập bến, ca nô, thuyền bè hoạt động rất náo nhiệt.
Những ngày qua, chúng tôi tìm hiểu trên bờ đê sông Sài Gòn thuộc địa bàn thị xã Thuận An có chiều dài hơn 10km và đã phát hiện nhiều doanh nghiệp mở nơi vui chơi, giải trí, thậm chí mặt đê sông Sài Gòn bây giờ không còn của chung mà trở thành của riêng của một số tư nhân, doanh nghiệp.
Lộc Hưng