Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng xưa kia, khi vua Lý Anh Tông xuất chinh đánh giặc ngoại xâm, hoàng hậu thương nhớ đức Vua nên đã tự tay làm một món bánh gửi ra nơi trận tiền. Nhà Vua vô cùng cảm động trước tấm chân tình của hoàng hậu, khi ăn lại thấy hương vị hấp dẫn nên đã đặt tên là bánh Phu Thê với ý trân trọng tình cảm vợ chồng đằm thắm, thuỷ chung. Bánh Phu Thê vì đó mà trở lên nổi tiếng trong dân gian.
Nét đẹp bánh Phu Thê Đình Bảng (ảnh minh hoạ - nguồn Internet)
Là một người có kinh nghiệm nhiều năm làm bánh, bà nội tôi luôn nhắc con cháu: “Muốn làm bánh Phu Thê ngon không thể thiếu cái tâm của người làm bánh”. Bà cẩn thận, tỉ mỉ đến từng việc nhỏ nhất mỗi khi làm bánh Phu Thê. Theo bà, khâu khó và quan trọng nhất là khâu làm bột bánh. Bà thường chọn gạo nếp cái hoa vàng loại hạt to, đều và chắc để làm bánh. Sau khi được vo sạch, để ráo nước, gạo được bà giã thật nhuyễn rồi lọc lấy tinh bột. Tinh bột phải được phơi khô mới có thể mang làm bánh.
Bà lấy một ít đậu xanh ngâm nước qua đêm, cẩn thận đãi sạch vỏ và đem hấp chín. Đường cát được bà đun chảy rồi cho đậu xanh đã nghiền mịn vào quấy đều. Nhân bánh còn được bà tôi cho thêm chút sợi đu đủ khô để tạo độ dai và dừa tươi nạo sợi nhỏ cùng ít vừng đen rang kỹ để bánh thêm vị béo ngậy.
Có một việc mà mãi sau này tôi mới biết, từ trước đó khá lâu bà nội tôi đã chọn hái những bông hoa dành dành tươi sắc mọc trên cây bên mé ao nhà rồi đem phơi khô, cất kỹ. Tới khi làm bánh bà mới bỏ hoa đó ra ngâm vào nước đun sôi. Chính thứ nước ướp hoa màu vàng mơ này được bà trộn với bột để tạo nên màu vàng trong suốt có sức cuốn hút đến lạ kỳ của những chiếc bành Phu Thê. Sau khi mang hấp cách thuỷ chín đều, bánh được bà khéo léo gói trong những miếng lá dong hoặc lá chuối xanh mướt rồi dùng lạt nhuộm đỏ buộc chữ thập.
Người ăn dường như thưởng thức bánh Phu Thê từ thị giác rồi mới đến vị giác. Trước tiên là sự hoà trộn màu sắc của chiếc bánh với màu đỏ của lạt buộc chữ thập, màu xanh mát của từng lớp lá, màu đen lấm tấm của vừng, màu vàng trong suốt của nhân bánh, màu trắng của những sợi dừa nhỏ xinh… Sau đó mới tới độ dẻo của bột nếp cái hoa vàng, vị bùi bùi của đậu xanh được nghiền kỹ, mùi thơm của vừng rang, chút béo ngậy của dừa sợi… tất cả cùng hoà quyện tạo thành vị ngon ngọt đặc trưng của mỗi miếng bánh Phu Thê xứ kinh Bắc quê tôi.
Không giống nhiều loại bánh khác, bánh Phu Thê ít đi một mình mà bao giờ cũng phải có cặp, có đôi. Ẩn sau mỗi chiếc bánh chính là bao ý nghĩa triết lý sâu xa. Lá bánh xanh mướt tượng trưng cho sự chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam. Sợi dây kết đôi bằng lạt nhuộm đỏ như sợi tơ hồng thể hiện tình cảm vợ chồng son sắt. Còn màu vàng trong của bánh chính là thể hiện tình yêu thương thầm kín, sâu sắc của những người vợ thảo hiền.
Bây giờ, khi đã trở thành một sỹ quan trong Quân đội nhân dân VN, trên những chặng đường hành quân mải miết, đôi khi vô tình gặp những cặp bánh Phu Thê trong những đám cưới, những dịp lễ hội… đó cũng là lúc những kỷ niệm tuổi thơ của tôi ùa về trong tâm thức. Ai đó nếu ghé thăm quê hương Đình Bảng mà chưa thưởng thức bánh Phu Thê hay mua về làm quà tặng người thân thì chưa thực sự cảm nhận hết phong vị của chiếc bánh và hồn người nơi mảnh đất giàu truyền thống văn hoá quê tôi.