Hằng ngày, dì vẫn cần mẫn ngồi nép mình nơi mé cổng trường, vật dụng khiêm tốn chỉ là chiếc rổ nhỏ, trong đặt cái thau nhôm chứa me ngào màu nâu sẫm, bên trên rắc đậu phộng và mè rang vàng ươm trông thật bắt mắt. Kế bên chỗ dì ngồi là chiếc giỏ đựng những xấp lá chuối tươi cắt hình vuông gọn gàng (cỡ 1 tấc) dùng làm đĩa đựng, cùng những bó que dẹp làm bằng lá dừa tươi cắt khúc ngắn (cỡ 6 – 7 phân) làm muỗng.
Sau giờ ra chơi, bọn trẻ chúng tôi thường vây quanh nơi bán đá me của dì để mua uống cho đã... thèm. Dì nhanh nhẹn, múc những phần me ngào đường lên chiếc lá chuối trao cho chúng tôi. Nhanh tay nhận lấy phần quà, chúng tôi chạy ù vào góc sân trường để ăn. Tay trái cầm miếng lá chuối đựng me, tay phải cầm que lá dừa “vít” những miếng me ngào đưa vào miệng “chóp chép” nhai, thật thú vị!.
Hạt me rang đã tách vỏ. (Ảnh: BCT)
Ly nước đá me ngào đường thật “họt” trong ngày hè!. (Ảnh: BCT)
Món me ngào đường trong ký ức tuổi thơ “nhà quê” của tôi chỉ có thế. Đến khi lớn lên ra tỉnh học bậc học Trung học, tôi được hân hạnh thưởng thức nhiều món quà vặt khác, trong đó vẫn không thể thiếu món me ngào đường ngày xưa, nhưng nay hương vị đã thay đổi và có phần hấp dẫn hơn, đó là món: Me ngào đường nước đá.
Me ngào đường xưa, hạt me được vứt bỏ đi; nay hạt me được xem là phần “độc chiêu” trong việc chế biến món ăn nầy. Me ngào đường mới nhìn thoáng qua tưởng chừng như đơn giản, ai cũng có thể làm được; nhưng khi bắt tay vào làm mới biết phải nắm vững những kỹ thuật, tốn nhiều thời gian và công sức.
Me chín mua về, trước tiên phải tách bỏ hạt, lấy cơm me để riêng. Chọn những hạt to, đều (bỏ hạt lép), rửa sạch, để ráo. Cho hạt me lên bếp rang (với ngọn lửa liu riu) cho đến khi lớp vỏ bên ngoài giòn, lớp nhân màu trắng bên trong ngã màu vàng nhạt (như rang đậu phộng) thì nhắc xuống, để nguội cho vào túi vải dầy, dùng chày đâm tiêu giã nhẹ tay để hạt me tróc lớp vỏ bên ngoài, và cho ra thau sàng lấy hạt, bỏ vỏ. Kế đến ngâm hạt me vào nước lạnh 1 đêm cho hạt nở, đãi sạch nhiều lần, để ráo. sau cùng mới là cho hạt me vào nồi cùng với nước lạnh, đun sôi ninh cho nhừ (nay cho vào nồi ủ để rút ngắn thời gian). Khi hạt chín mềm, vớt ra để ráo. Riêng phần khóm mua về gọt vỏ, bỏ mắt, lấy phần thịt khóm cho vào cối xay sinh tố xay nhừ (lấy cả nước và xác) để sẵn ra tô.
Sau khi các nguyên liệu đã sơ chế xong, tiếp đến là phần ngào me. Trước tiên, cho nước khóm xay (khoảng 2 trái khóm lớn) + đường cát vàng hạt to (khoảng 2,5 kg) vào chảo nấu sôi, bỏ cơm me (khoảng 1 kg) vào xào cho đến khi me đổi màu. Sau cùng, cho hạt me đã sơ chế (khoảng 700 gram) vào ngào chung cho đến khi hỗn hợp sánh lại, tắt lửa, chờ nguội, nhắc xuống, cho vào keo trữ vào ngăn lạnh ăn dần. (Lưu ý, trong quá trình xào phải điều chỉnh ngọn lửa liu riu và dùng tay khuấy đều để hỗn hợp không bị vón cục và bị khét). Để hương vị món me ngào đường “thăng hoa”, cần thêm đậu phộng, mè (vừng) rang, nước đá đập (hoặc đá bào) vào, thế là xong!...
Trong cái nắng oi ả của ngày hè, còn gì thú vị bằng được vào quán giải khát thưởng thức 1 ly nước đá me ngào đường thơm ngon hấp dẫn!. Vị mát lạnh của đá, vị chua thanh của me, vị ngọt dịu của đường, vị thơm của mè, đậu phộng… và nhất nhất là cái “deo dẻo, nhơn nhớt” của hạt me… thấm dần, lan tỏa vào trong miệng… như xua đi những giọt mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo…