Dân Việt

“Đột nhập” xưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo Việt Nam

24/05/2015 06:30 GMT+7
Nuôi trồng đông trùng hạ thảo, quan trọng bậc nhất là vô trùng. Chỉ cần không khí trong xưởng nuôi có một chút ô nhiễm, toàn bộ sản phẩm sẽ hỏng và phải bỏ ngay.

img

Đông trùng hạ thảo - loại thuốc quý chỉ mọc trên đỉnh núi cao thuộc dãy Himalaya quanh năm băng tuyết bao phủ - đã được trồng thành công trong môi trường nhân tạo tại Việt Nam. Mô hình của anh Trần Huy Khoa - một trong những người trồng thành công loại "thần dược" này, đã được cấp phép hoạt động. Anh Khoa cho biết, tiền thân công ty là một nhóm hoạt động xã hội theo học ngành nghiên cứu sinh học, chuyên chăm sóc các bệnh nhân nghèo, bệnh nan y, nhiễm HIV... Nhận thấy nhiều bệnh tật đều xuất phát từ thực phẩm ăn uống và môi trường sống, nhóm đã tập trung nghiên cứu cách trồng loại thuốc quý này, với mong muốn để người Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn những sản phẩm này.

img

Trưởng nhóm Trần Huy Khoa chia sẻ, anh đã mất hơn 8 năm nghiên cứu, phải đi nhiều vùng, nhiều nơi ở các nước châu Á để học hỏi. Anh cũng đến tận Himalaya để tìm cách đem gen của loại thuốc này về Việt Nam tạo môi trường sống.

img

Đông trùng hạ thảo là sự kết hợp của côn trùng và nấm. Vào mùa đông, một loại sâu trên núi tuyết nằm ngủ trong đất bị nấm ký sinh hút chất và lớn lên. Đến mùa hè, sâu hết chất và chết, cây nấm cũng đủ lớn khỏe, trở thành thực vật quý với nhiều dưỡng chất có khả năng chữa bệnh.

img

Để trồng thành công loại thuốc này ở Việt Nam trong môi trường nhân tạo, anh Khoa hết sức gian nan. Công đoạn đầu tiên là lấy gen loại sâu ở vùng núi đem về nước và bảo quản đúng tiêu chuẩn. Sau đó, anh thuê một căn biệt thự và sát trùng toàn bộ, thực hiện các biện pháp cách ly vô trùng tuyệt đối rồi tạo mội trường lạnh như tự nhiên.

img

"Sinh thái phù hợp là yếu tố tối cần thiết, nhưng quan trọng hơn chính là môi trường sống cho nấm ký sinh phải tương tự như loại sâu trên núi tuyết. Sau 8 năm nghiên cứu cùng hàng trăm lần thất bại, cuối cùng tôi cũng tạo được 'loại sâu' từ các nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, trong đó có những loại quý hiếm như tổ yến", anh Khoa chia sẻ.

img

Tất cả các quy trình phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Khuôn hộp để chứa sản phẩm được tiệt trùng trong môi trường áp suất cao.

img

Dù có một ekip làm việc chuyên nghiệp, nhưng với tất cả các công đoạn quan trọng, anh Khoa đều tự mình thực hiện.

img

Theo anh Khoa, nuôi trồng đông trùng hạ thảo, quan trọng bậc nhất là vô trùng. Chỉ cần trong không khí có một chút ô nhiễm, toàn bộ sản phẩm sẽ hỏng và phải bỏ ngay. Những sản phẩm bỏ đi này cũng được đem tiêu hủy ở một nơi khác để không ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng.

Đông trùng hạ thảo trong thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá nhiều và số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Trên thế giới, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200 m thuộc dãy Himalaya và vùng Tây Tạng. Mỗi năm, sản lượng thu được chỉ khoảng 80 kg nên giá thành rất cao, từ 50.000 USD đến 90.000 USD/kg khô (khoảng 1,1 đến 1,8 tỷ đồng một kg). Ở Việt Nam, do đã nuôi cấy thành công trong môi trường nhân tạo nên giá đông trùng hạ thảo rẻ hơn.