Tai họa ập xuống làng quê
Xã Tiên Nội nằm giữa cánh đồng, một bên là QL1A, bên kia là đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nghề phụ ít, nên người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nấu rượu, nuôi lợn là chính, đặc biệt là thôn Thượng và làng Ngô Thượng.
Theo ông Nguyễn Tiến Giang – Trưởng thôn Thượng, thôn có 180/190 hộ làm nghề nấu rượu rồi lấy bã, bỗng nuôi lợn với tổng đàn lợn khoảng 6.000 con, mỗi năm xuất hàng chục nghìn tấn lợn hơi. Trung bình, mỗi hộ nuôi từ 10 – 30 con/lứa, hộ nuôi nhiều 80 – 100 con/lứa. Mặc dù là chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, song người dân có ý thức rất cao trong việc tiêm phòng dịch bệnh, nên từ trước tới nay hầu như trên địa bàn chưa từng xảy ra dịch.
Dẫn chúng tôi đi mục sở thị các tin rao thu mua lợn ốm, phế, ông Giang cho hay: “Gia đình tôi mỗi năm cũng xuất chuồng 15 – 20 tấn lợn hơi chứ chẳng ít. Ưu điểm của lợn nuôi bằng bã, bỗng rượu là lợn trông rất đẹp, thịt chắc, ăn ngọt, dôi thịt nên thương lái ưa chuộng, giá thường nhỉnh hơn. Ấy vậy mà độ nửa tháng nay trên tường một số chuồng lợn ven thôn bỗng xuất hiện dòng chữ “Thu mua lợn ốm, phế”, khiến nhiều hộ điêu đứng vì lợn đến lứa không bán được, hoặc bán mất 1/3 giá”. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chung, thôn Thượng đang nuôi 50 con lợn rất bức xúc, khi kẻ lạ mặt ngang nhiên viết dòng chữ sơn đỏ “Thu mua lợn ốm” và số điện thoại trên tường chuồng nhà mình. “Nếu nhìn vào dòng chữ này, ai chẳng nghĩ gia đình tôi thu mua lợn ốm, phế. Nói thật có thuê tôi cũng chẳng làm cái chuyện thất đức này, nhưng mình vẫn bị mang tiếng và mang vạ, lợn đến lứa không xuất bán được”.
Cách thôn Thượng không xa, thôn Ngô Thượng gần đây cũng xuất hiện dòng chữ “Thu mua lợn ốm, phế” ở khắp mọi nơi, tường nhà, chuồng lợn, thành cầu, cống, lan can đường… làm cho người dân không thể bán được lợn. Theo ông Nguyễn Viết Thuấn – Trưởng thôn Ngô Thượng, hiện sự việc đã được báo cáo lên lãnh đạo xã để tìm phương án giải quyết. “Tôi khẳng định, hiện ở thôn tôi không có dịch và cũng không có hộ nào làm nghề thu mua lợn ốm, phế cả. Hẳn là có kẻ nào chơi xấu, hòng gây tin đồn để đánh tụt giá lợn rồi mua kiếm lời” – ông Thuấn nhận định.
Phục bắt kẻ gian
Ông Nguyễn Tiến Hương – Chủ tịch UBND xã Tiên Nội xác nhận, việc trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng có kẻ lạ mặt ghi lên tường, cầu cống dòng chữ “Thu mua lợn ốm, phế” và số điện thoại bên dưới là có thật. “Những dòng chữ rao trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, đời sống của người dân. Trước mắt chúng tôi đã cho các lực lượng dùng vôi sơn đè lên, mặt khác phối hợp với lực lượng công an điều tra làm rõ kẻ giấu mặt, để có hình thức xử lý đích đáng” – ông Hương cho hay.
Tuy nhiên theo người dân, sau khi các lực lượng tiến hành sơn đè lên dòng chữ, số điện thoại thu mua lợn ốm, phế, sáng hôm sau nó lại mọc lên chỗ cũ, hoặc chỗ mới. Trước tình hình này, các thôn đã huy động lực lượng dân quân tuần tra, phục kích, hòng tóm kẻ cố tình gây hại cho người dân chăn nuôi những chưa đươc.
Ông Nguyễn Đức Vượng – Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên khẳng định, thông tin “thu mua lợn ôm, phế” đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của địa phương và người chăn nuôi, ngoài ra còn ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, do giá lợn sụt giảm. “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các lực lượng công an từ huyện đến các xã, thôn nắm bắt tình hình, nếu phát hiện kẻ gian sẽ xử lý nghiêm. Một mặt tuyên truyền, động viên người dân cảnh giác, vượt qua hung tin thất thiệt này” - ông Nguyễn Đức Vượng nói.