Dân Việt

Vị ngọt thơm bánh nẳng kẻ Dòng

Phạm Thị Hương Liên 22/05/2015 10:00 GMT+7
Chờ suốt mấy dịp hè, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân đến làng Dòng, ghé qua cái chợ cóc để mua một ít quà về thăm nhà người bạn. Đập vào mắt tôi là một thứ bánh được gói thành hình trụ thuôn dài, gần giống như bánh tẻ, nhưng khi bóc ra thì bánh có màu cánh gián. Bạn tôi thấy vậy mới bảo: “Bánh nẳng kẻ Dòng đấy, đặc sản của làng mình”.
Nhớ mấy năm trước khi còn là sinh viên, vừa được nghỉ hè xong là tôi lại có những chuyến đi về thăm quê các bạn cùng học. Khi ấy tôi được dịp về làng Dòng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Hôm đó chúng tôi đi từ sáng sớm cho mát trời, để đi từ trường tôi học về đến làng Dòng phải mất hơn hai giờ đồng hồ ngồi trên xe khách. Cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân đến đầu làng, ghé qua cái chợ cóc để mua một ít quà về nhà. Đập vào mắt tôi là một thứ bánh trông rất lạ, bánh được gói thành hình trụ thuôn dài, gần giống như bánh tẻ, nhưng khi bóc ra thì bánh có màu cánh gián. Bạn tôi thấy vậy mới bảo: “Bánh nẳng kẻ Dòng đấy, đặc sản của làng mình.” Ở đây người ta không hay gọi làng, thôn, hay xóm Dòng, mà người ta gọi nhau bằng cái tên thân thương “kẻ Dòng”.
img
Bánh nắng (ảnh minh hoạ, nguồn Lao động)   

Sau khi lựa mua được trái cây, chúng tôi đi bộ một lát thì về đến nhà bạn. Vừa bước vào cổng, tôi đã thấy một người phụ nữ trung niên đang lúi húi đốt lá cây tươi ở trước sân. Thấy chúng tôi, bác bảo: “Các con về rồi à, vào nhà đi, đợi mẹ đốt xong mẻ tro để làm bánh nẳng đã nhé.” Tính tôi hiếu kỳ nên ngồi xem bác đốt lá rồi hỏi bác cách làm bánh. Bác nhiệt tình lắm, chỉ cho tôi tường tận cách làm, nào là lựa chọn các loại cây, lá cây, vỏ cây có vỏ dai và đắng như núc nác, thừng mực, lá xoan, vỏ sở, vỏ cam, quýt, vỏ lạc đốt khi lá còn tươi để lấy tro làm nước nẳng.

Khó nhất trong làm bánh nẳng là cân đối tỷ lệ giữa các loại lá và vỏ cây để cho bánh mềm nhuyễn đồng thời đem lại vị thơm, thanh mát cho bánh. Sau khi đốt xong thì để tro nguội rồi cho vào một cái dần, dần lấy bột mịn và loại bỏ những lá vỏ chưa cháy hết để khi hòa với nước thì tro sẽ được nhuyễn.

Bên cạnh đó khâu chọn gạo để làm bánh cũng vô cùng quan trọng, gạo phải là loại nếp thơm hạt gạo tròn mẩy, sau đó gạo được đãi sạch rồi ngâm với nước tro. Gạo ngâm trong nước tro khoảng 12 tiếng khi hạt gạo đã được nhuộm một màu vàng sánh thì múc gạo ra một cái rá để cho ráo nước. Tiếp đó lá dong hoặc lá chuối được rửa sạch để ráo nước rồi xếp ra một cái mâm. Trải lá ra rồi cho gạo vào rồi cuộn và buộc lại, không nên buộc quá chặt hoặc quá lỏng tay để bánh được tròn đều sau khi luộc, khi gói xong chiếc bánh dài chừng một gang tay và nhỏ bằng nửa chiếc bánh tẻ.

Bánh được gói xong thì được cho vào một cái nồi lớn, đun chừng 5 - 6 tiếng trên lửa lớn thì bánh chín. Vớt bánh ra để vào mâm khoảng 2 tiếng cho bánh nguội là đã ăn được rồi.

Sẵn trong nhà vẫn còn vài cái bánh nẳng, bác gái mang ra mời tôi và các bạn ăn thử bánh bác làm. Bánh bóc ra có màu cánh gián trong suốt, bánh có mùi thơm và vị ngọt nhẹ nên khi ăn thường chấm với nước mật mía càng tăng thêm vị đậm đà thanh mát cho bánh. Ăn vào mùa hè thì tuyệt biết bao. Thế nên, nếu ai có dịp về kẻ Dòng như tôi đừng bỏ quên món bánh nẳng này nhé.