Dân Việt

Nên có giám sát chuyên đề về giá xăng

Ngọc Lương – Hải Phong (ghi) 23/05/2015 09:38 GMT+7
Đó là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) khi nói về việc tăng giá xăng dầu. Cùng với đó, theo các ĐB, giá xăng phải tiến dần đến thị trường, Nhà nước không nên can thiệp vào giá. Muốn vậy, phải sửa lại Luật Giá, hướng đến thị trường cạnh tranh thì mới giải quyết triệt để. 

Ngịch lý lỗ - lãi

Trao đổi với PV NTNN bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 22.5, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nhận định, giá xăng dầu thế giới là một chuyện nhưng câu chuyện điều hành trong nước là chuyện khác vì giá xăng ở trong nước được điều tiết bởi Nhà nước, điều chỉnh 15 ngày 1 lần chứ không điều chỉnh từng ngày theo thị trường bên ngoài. Mặt khác còn có Quỹ Bình ổn giá có thể sử dụng để điều tiết giá xăng dầu, tránh giá lên xuống thất thường. “Trước đây Quốc hội cũng đã có chuyên đề giám sát riêng về giá điện. Thực tế có câu chuyện doanh nghiệp khi muốn xin tăng giá thì báo cáo lỗ nhưng khi cần báo cáo xin chia thưởng từ nguồn lãi thì lại báo cáo lãi cao. Nếu cần thiết cũng có thể kiến nghị Quốc hội có một chuyên đề giám sát”- ông Thảo nhấn mạnh.

img
Giá cả leo thang ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày của người dân. 
Ảnh chụp công nhân tại KCN Bắc Thăng Long đi chợ tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.   Ảnh:  L.H.T
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi lẽ, đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày và được nhân dân rất quan tâm. Nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng theo biến động của thị trường”.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhấn mạnh thêm: “đây là điều nên làm. Nếu Quôcốc hội không làm thifì các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Tài chính- Ngân sách hoàn toàn có thể làm được và cần làm rõ”. ĐB Lịch cũng phân tích thêm, hiện Chính phủ đã có thêm 3, 4 nghị định hướng dẫn nhưng vẫn chưa thể gỡ khó trong vấn đề điều hành giá một số mặt hàng trọng yếu. Nếu Nhà nước còn can thiệp quá sâu vào giá một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu, thì khi có sự thay đổi, biến động, người dân sẽ chỉ quy trách nhiệm cho Nhà nước. “Hiện chúng ta có trên 1 vạn cây xăng, 21 đầu mối có quyền nhập xăng dầu nhưng thực chất chỉ có 7-8 đầu mối có tỷ trọng lớn. Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc chống độc quyền, quản lý cạnh tranh bình đẳng thì mới xử lý được vấn đề”- ông nói.

Cần tách bạch phí môi trường

Quan điểm

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
 Một vấn đề quan trọng nữa mà tôi cho rằng cần lưu ý là phải làm sao Quốc hội giám sát được cả hiệu ứng từ giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa khác.  
Ngoài ra, ông Lịch cũng chỉ ra vấn đề sử dụng phí môi trường như thế nào, cần tách bạch ra. Hiện nay các nhà phân phối xăng nội địa kêu ca việc hiệu chỉnh chưa rạch ròi. Chẳng hạn những tàu thuyền đánh bắt cá ngoài biển cũng phải chịu phí này. “Vừa rồi giá xăng dầu tăng không phải do biến động của giá dầu thế giới mà là do chúng ta chuyển phí môi trường 3.000 đồng vào mỗi lít xăng. Tất cả các phí này đều phải tính toán lại và minh bạch hóa. Tôi đề nghị phải làm rõ cơ sở nâng phí môi trường từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít với xăng. 3.000 đồng này thu thế nào, sử dụng ra sao phải làm rõ”- ông chia sẻ.

 

Về giá xăng, ĐB Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Nên xét việc tăng giá xăng trong bức tranh tổng thể. Dấu hiệu bên ngoài cho thấy, nhiều lần tăng giá xăng gần đây không phù hợp với giá xăng dầu trên thị trường thế giới vì chúng ta theo chu kỳ 15 ngày 1 lần xem xét tăng giảm giá xăng, do đó nhiều khi chậm nhịp so với thị trường thế giới”.