Dân Việt

Chuyện về trung tá Nga cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân

Trí Dũng 23/05/2015 14:30 GMT+7
Trung tá Petrov đã cứu hàng triệu sinh mạng trên thế giới khỏi thảm họa hạt nhân tàn khốc bằng việc không nhấn chiếc nút đỏ trên bảng điều khiển của mình.

Mới đây, các nhà làm phim Đan Mạch đã thực hiện một bộ phim tài liệu kể về giây phút một vị trung tá của Nga đã cứu cả thế giới khỏi bị hủy diệt trong một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc bằng cách “không làm gì cả”.

Đó là câu chuyện có thật về trung tá Satnislav Petrov, người phụ trách đơn vị tác chiến hạt nhân tuyệt mật của Liên Xô trong hầm ngầm Serpukhov-15 ở gần thủ đô Moscow trong thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh.

img
Trung tá Satnislav Petrov, người cứu thế giới khỏi một thảm họa hạt nhân kinh hoàng

Vào ngày 26.9.1983, trung tá Petrov bất ngờ phát hiện một quả tên lửa hạt nhân đang lao về phía lãnh thổ Liên Xô trên màn hình do vệ tinh truyền xuống. Chỉ một lát sau, tín hiệu báo động và còi hú vang lên khắp hầm ngầm, khi hệ thống cảnh báo từ xa phát hiện thêm 4 quả tên lửa hạt nhân nữa cũng đang bay về phía Liên Xô.

Trung tá Petrov chỉ có vỏn vẹn 15 phút để nhận định, đánh giá tình hình và báo cáo vụ tấn công tên lửa hạt nhân này với Tổng Tư lệnh, và điều đó chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc phản công bằng vũ khí hạt nhân của Nga, khơi mào cho cuộc chiến hạt nhân thảm khốc có nguy cơ hủy diệt thế giới.

Thế nhưng trung tá Petrov đã không nhấn chiếc nút đỏ báo động trên bàn điều khiển của mình, bởi bản năng mách bảo ông có điều gì đó không đúng. Chỉ có 5 quả tên lửa hạt nhân được phát hiện trên màn hình, trong khi một hệ thống radar khác không hề phát hiện bất cứ vật thể lạ nào đang hướng về Liên Xô.

Không khí lúc đó trong hầm ngầm căng như dây đàn, và tất cả 120 nhân viên tác chiến trong hầm đều hướng mắt về phía Petrov chờ lệnh. Đúng lúc đó, Petro nhận định đây chỉ là báo động giả và ra lệnh cho họ về chỗ làm việc bình thường. Rất may là ông đã đúng, và thế giới đã tránh được một nguy cơ hủy diệt trong nháy mắt.

Sau này trung tá Petrov giải thích rằng nếu Mỹ muốn tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân, họ sẽ không khơi mào cuộc chiến chỉ bằng 5 quả tên lửa, mà phải là hàng trăm quả bắn lên cùng một lúc.

img
Nếu nhấn chiếc nút đỏ, Petrov có thể đã châm ngòi cho Thê Chiến III

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi 10 năm sau sự cố đó, Petrov tiết lộ: “Lúc đó tôi bị sốc nặng. Trong vài giây, tôi bị cứng đờ cả người và không biết phải làm gì. Tôi nhận thấy mọi người đang nhìn mình. Một số người chỉ biết nhìn xuống chân, với nỗi ngạc nhiên và gần như hoảng loạn trên khuôn mặt”.

“Lúc đó tôi không thể chắc chắn 100% rằng đây là báo động giả. Trong tình huống đó, tôi nghĩ rằng có thể lần này tôi sẽ ra quyết định sai lầm, nhưng tôi không muốn mình là người châm ngòi Thế Chiến Ba”, ông nói.

Petrov cho biết ông ý thức rõ rằng “hàng triệu sinh mạng đang bị đe dọa”, trong khi lúc đó không có bất cứ ai trong hầm ngầm có ý tưởng nào khác.

Thế nhưng sau đó ông đã không được khen thưởng về sự nhanh trí và tỉnh táo của mình mà còn bị kỷ luật nặng vì đã không báo cáo vụ việc một cách kịp thời. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ kín câu chuyện đó trong suốt 10 năm tiếp theo, thậm chí vợ ông còn không biết chút gì về quyết định quan trọng nhất đời ông đó.

Sau này, ông Petrov đã được Hiệp hội Công dân Toàn cầu trao thưởng huân chương tại hội trường Liên Hợp Quốc vì đã cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân hủy diệt, và ông một lần nữa được vinh danh trong bộ phim tài liệu mới được phát hành của đạo diễn Đan Mạch Peter Anthony.