Ngày 29.6, anh Lê Thành Đạt Nguyễn (24 tuổi) rút tiền từ máy ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trước cổng trường Đại học khoa học và Xã hội Nhân văn TP HCM. Rút 300.000 đồng, anh Nguyễn rất bối rối khi mà chẳng may có tờ mệnh giá 100.000 đồng bị mất một góc to bên phải.
Mang tới phòng giao dịch của BIDV trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM) để đổi, anh bị nhân viên yêu cầu chứng minh đây là tiền rút ở ATM thì mới chấp nhận đổi miễn phí.
Những tờ tiền rút từ ATM nhưng bịmất góc, rách, nhăn nhúm... do độc giả cung cấp. |
"Tôi hỏi làm cách nào để chứng minh thì nhân viên này cho biết phải có hóa đơn và chụp hình lại", anh Nguyễn kể. Tuy nhiên, việc này phải mất phí nên phần lớn khách hàng không chọn.
Ngoài ra, khách phải chọn có in hóa đơn hay không trước khi giao dịch hoàn tất và nhả tiền. Do đó, theo anh Nguyễn, yêu cầu lấy hóa đơn trong những trường hợp này là không khả thi.
"Chưa kể việc chụp hình cũng bất hợp lý vì không chứng minh được gì", anh Nguyễn phân tích. Cuối cùng, anh Nguyễn phải mất 4.000 đồng để đổi tờ tiền mệnh giá 100.000 bị mất góc dù rút từ chính ngân hàng.
Không riêng anh Nguyễn, nhiều khách hàng của các nhà băng khác cũng gặp phải cảnh tiền méo mó, sứt mẻ khi rút tại các ATM. Anh Minh (Đặng Tiến Đông, Hà Nội) từng gặp trường hợp tương tự với ATM của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). "Tôi rút phải tờ 50.000 đồng mất góc từ trước Tết nhưng cũng biết khó chứng minh được với ngân hàng nên vẫn còn nguyên tờ tiền này từ đó đến nay", anh Minh tâm sự.
Dù hiểu đây là rủi ro mà cả ngân hàng lẫn khách đều không mong muốn nhưng theo anh Nguyễn, nhà băng cần chia sẻ với khách hàng hơn nữa trong những trường hợp này.
"Mỗi lần tôi đi nộp tiền vào tài khoản thì nhân viên rất nhanh nhẹn còn khi đi đổi tiền thì rất khó khăn và vẫn phải mất phí dù đây là tiền tôi rút từ ATM. Có cách nào giải quyết những trường hợp này hay chỉ trông chờ vào việc phải có bằng chứng, trong khi điều đó là không thể", anh Nguyễn cho biết.
Từ phía ngân hàng, lãnh đạo các đơn vị cho biết hơn ai hết họ luôn muốn giữ khách hàng nhưng trên thực tế rất khó để chứng minh giúp khách hàng trong những trường hợp này để đổi lại tiền không mất phí.
Bà Lê Thị Kim Thu - Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV - cho biết rất chia sẻ rủi ro mà các khách hàng gặp phải. Bà cũng thừa nhận hai yêu cầu trên là rất khó khả thi với khách hàng bởi khi rút tiền người dùng không thể lường trước gặp phải chuyện này để có thể quay phim hay chụp ảnh.
Thế nhưng, đại diện BIDV cũng mong khách hàng hiểu bởi không riêng Việt Nam, ngay cả với các nước khác, mỗi khi đồng tiền ra khỏi quầy giao dịch của ngân hàng đã rất khó xác định nó có phải tiền của nhà băng hay không nên nhân viên cũng có lý khi yêu cầu khách chứng minh.
Nhân viên phòng quản lý Quỹ ATM kiểm tra tiêu chuẩn từng loại tiền. |
Một đại diện của Vietcombank cũng thừa nhận, rất khó để xác định việc này bởi nếu ngân hàng đền bù trong mọi trường hợp thì không loại trừ có những người lợi dụng chính sách này để hưởng lợi từ việc đổi tiền.
Lãnh đạo của các ngân hàng đều khẳng định những trường hợp tiền không đủ tiêu chuẩn khi nhả ra từ ATM là hạn hữu bởi quy trình kiểm đếm, tiếp quỹ tiền được thực hiện rất nghiêm ngặt. Đại diện BIDV cho biết, từ khâu kiểm đếm tới khi vận chuyển trên đường và tiếp quỹ cho máy ATM đều có người kiểm soát và có camera giám sát. "Trong suốt quá trình đó, hộp tiền luôn được giữ nguyên niêm phong", bà Thu cho hay.
Một đại diện từ Vietcombank thông tin, phòng Quản lý quỹ ATM được theo dõi rất nghiêm ngặt về an ninh. "Các nhân viên phải kiểm tra từng loại tờ tiền và thậm chí, với một số mệnh giá lớn (USD hay mệnh giá 200.000 - 500.000 đồng), chúng tôi yêu cầu đếm bằng tay không được dùng máy để đảm bảo an toàn", ông cho hay.
Vị này cũng nói thêm, nếu có sai sót đó có thể là trường hợp rất ít ỏi, xác suất tiền bị rách có thể do trong suốt quá trình này xảy ra chuyện kẹt nên tiền bị nghiến.