Làm chủ Gạc Ma, Chữ Thập là khống chế cả Biển Đông
Thưa Thiếu tướng, gần đây Mỹ đã thể hiện sự cứng rắn chưa từng có đối với những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Bắc Kinh thực tế đã và đang làm gì ở vùng biển này?
-Trong 15 tháng qua, Trung Quốc tập trung mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại của mình để biến các đá ngầm ở Trường Sa thành những đảo nhân tạo, trong đó đặc biệt có 7 đá ngầm là Châu Viên, Én Đất, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Chữ Thập (6 đảo này chiếm của Việt Nam ngày 14.3.1988) và đá Vành Khăn nguyên trước đây do Philippines chiếm. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nhanh chóng, cấp tập khiến cả thế giới chóng mặt. Trong đó, có hai đảo đá mà quốc tế đặc biệt quan tâm là đảo Gạc Ma và Chữ Thập. Nếu ai làm chủ được 2 hòn đảo này thì sẽ khống chế được lối ra vào ở Biển Đông.
Theo ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu, so với tháng 1.2014 và tháng 4.2015 này thì diện tích đá Gạc Ma đã tăng lên 200 lần (sau 15 tháng). Trên Gạc Ma đã hình thành sân bay với đường băng 1.500m. Tại đá Chữ Thập, tháng 4.2015 so với tháng 2.2014 thì diện tích đã tăng 10 lần, trở thành đảo lớn nhất ở Trường Sa. Trên đó cũng đã hình thành hình hài một sân bay quân sự với đường băng 3.500m có khả năng không chỉ có máy bay tiêm kích mà cả máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới nhất của Trung Quốc là H6 H6K có thể cất cánh được.
Về phía Đông của đảo Gạc Ma và Chữ Thập thì đã hình thành 2 bến cảng mà tàu chiến, tàu thương mại khoảng 50.000 tấn có khả năng cập bến. Như vậy họ đã biến các đá chìm ở đây thành những căn cứ quân sự nổi. Mục đích là để cho máy bay chiến đấu J-8 và J-10 có khả năng cất cánh, hạ cánh ở đây; đặc biệt là phục vụ cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6 và H-6K, tầm hoạt động là 1.800km.
Mục đích của họ là xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa, hiện thực hóa chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông không thông qua chiến tranh. Cách làm này của Trung Quốc theo quan điểm chiến lược quân sự là “không đánh mà thắng”. Một khi Trung Quốc hoàn tất các căn cứ quân sự trên Biển Đông thì họ có khả năng khống chế cả eo biển Malacca và đặt ra những luật lệ theo kiểu của Trung Quốc và tác động trực tiếp đến con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Đến lúc đó, không chỉ có 10 nước ASEAN bị khống chế mà ngay cả những căn cứ quân sự của Mỹ ở Australia cũng nằm trong sự khống chế của Trung Quốc.
Phản ứng với những hành động và tuyên bố cứng rắn của Mỹ về Biển Đông, Bắc Kinh đã đe dọa và bóng gió ám chỉ đến một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra. Liệu chiến tranh có phải là lựa chọn của Trung Quốc lúc này?
-Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2020, 2025, sẽ chưa có chiến tranh lớn xảy ra giữa hai cường quốc Trung- Mỹ. Vì nếu giờ đến năm 2020, Trung Quốc gây chiến tranh tổng lực với Mỹ thì đây là hành động tự sát. Vì thực tế, dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tăng tốc vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng năng lực thực sự còn thua xa quân đội Mỹ. Nếu cán cân quân sự chưa cân bằng, thì có đến 80 - 90% khả năng quân đội Mỹ và các đồng minh sẽ hủy diệt Trung Quốc.
Nhưng rõ ràng, những hành động cải tạo đảo mà Trung Quốc dang làm trên Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Còn nhớ, tháng 7.2014, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu 100% thông qua nghị quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tháng 12.2014, Hạ viện Mỹ cũng ra nghị quyết phê phán, phản bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Đô đốc Hải quân Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương cũng đã lên tiếng phê phán, chỉ trích những hành động phi pháp của Bắc Kinh như tự ý xây dựng, cải tạo đảo nhân tạo… Mỹ tuyên bố từ nay đến năm 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% các phương tiện chiến tranh từ châu Âu sang châu Á -Thái Bình Dương.
Gần đây, Mỹ cũng đã điều máy bay, tàu chiến để tuần tra trên Biển Đông. Tôi cho rằng Mỹ sẽ không chùn bước và tiếp tục cứng rắn ở Biển Đông. Theo tôi, dù không có những cuộc chiến tranh nóng, lớn, nhưng những vụ va chạm, đụng độ chớp nhoáng vẫn có thể xảy ra.
Khó có chiến tranh lạnh trong tương lai gần
Thưa ông, nếu không xảy ra chiến tranh nóng, liệu có tồn tại một cuộc chiến tranh lạnh trên vùng biển nóng này hay không?
-Tôi cho rằng, cả khả năng một cuộc chiến tranh lạnh trên Biển Đông cũng sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Rõ ràng, những căng thẳng và nguy hiểm vẫn rình rập và bao phủ vùng biển nóng này, nhưng như tôi đã nói, khi Trung Quốc chưa cải tạo Gạc Ma thành căn cứ quân sự thì Trung Quốc chưa dám gây sự với Mỹ. Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2016, các cuộc xung đột nhỏ xuất phát từ Biển Đông cũng sẽ ít khả năng xảy ra. Làm sao có xung đột hay chiến tranh lạnh được vì tháng 9.2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Mỹ. Tại phòng Bầu Dục, ông Tập Cận Bình sẽ thuyết phục Tổng thống Obama với những lời lẽ mềm mỏng rằng, Mỹ nên yên tâm, Trung Quốc cải tạo đảo ở Trường Sa để làm nơi tránh bão, làm nghiên cứu khoa học với mục đích dân sự, không gây cản trở an ninh hàng không, hàng hải... Thuyết phục này của Trung Quốc sẽ giải tỏa những lo lắng về an toàn hàng hải của Mỹ qua tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình sẽ lăng xê đề nghị Mỹ- Trung xây dựng quan hệ kiểu mới trong đó chú trọng đến 3 yếu tố: Không đối đầu, can thiệp công việc nội bộ của nhau; Tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; Hợp tác cùng thắng. Cuối cùng, ông Tập Cận Bình sẽ làm yên lòng ông Obama khi nói rằng, các ngân hàng do Trung Quốc lập ra như AIIB, BRISC, hay kế hoạch con đường tơ lụa trên biển… chỉ nhằm bổ sung cho các định chế tài chính mà Mỹ đang làm chủ là WB, IFM…
Theo Thiếu tướng, mối quan hệ Mỹ- Trung sẽ đi đến đâu và tác động như thế nào đến Việt Nam?
-Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng có 2 mối quan hệ tôi cho là quan trọng nhất, quyết định đến vận mệnh phát triển kinh tế của Việt Nam đó là quan hệ Việt- Trung và quan hệ Việt – Mỹ. Lịch sử mách bảo rằng, mỗi khi Trung Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau, Việt Nam đều bị tổn thất. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 là một ví dụ, vì thế, khi nào Trung Quốc và Mỹ hợp tác ăn ý với nhau thì Việt Nam đều phải cẩn thận.
Nhìn về mối quan hệ Mỹ- Trung, có thể nói rằng, từ nay đến thời điểm 2022, lúc đó Trung Quốc có Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 còn Mỹ cũng có bầu cử. Đây là giai đoạn nhạy cảm và hai nước sẽ không để xảy ra xung đột. Hai nước này sẽ duy trì quan hệ hợp tác ngoại giao công khai bên ngoài, tuy nhiên phần chìm bên trong hai nước sẽ tìm cách đối phó với nhau. Có thể nói, đó là mối quan hệ hợp tác- đối đầu.
Đây cũng là giai đoạn thuận lợi của Việt Nam. Chúng ta phải tỉnh táo, tận dụng cơ hội địa chính trị của mình trên nguyên tắc bảo vệ tối thượng chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Việt Nam cần duy trì hòa bình, ổn định với Trung Quốc và chúng ta có quyền mở rộng quan hệ với Mỹ về kinh tế, an ninh, kể cả quốc phòng. Để Việt Nam phát triển, chỉ có một con đường duy nhất là đẩy mạnh hợp tác với EU, Nhật Bản, Mỹ và các nước phát triển khác, không chỉ phụ thuộc vào quan hệ với Trung Quốc.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!