Tập huấn cho nông dân phân biệt thật, giả
Là đơn vị có nhiều năm kinh doanh phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe Lâm Thao), song không ít lần đơn vị của ông Khang nhận được ý kiến phản hồi từ phía người dân về việc gặp phải phân bón giả. Ông Khang cho biết: “Việc nhái nhãn hiệu cũng như chất lượng phân bón của Công ty Supe Lâm Thao đã diễn ra nhiều năm, song “nóng” nhất là mấy năm gần đây, chúng tôi liên tục nhận được đơn thư, điện thoại từ phía người dân kêu gặp phải phân bón giả, khiến cho không ít lần công ty phải đau đầu, mệt mỏi”.
Ông Khang cho biết, ngay sau khi nhận được cuộc gọi của bà Phương, công ty đã cử đại diện cán bộ kỹ thuật và thị trường xuống tận hộ gia đình để kiểm tra thực tế và lấy mẫu bao bì, vật chứng và báo cho các cơ quan chức năng giải quyết. Kết quả vào giữa năm 2014, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Chi cục QLTT Bắc Giang phát hiện cửa hàng kinh doanh phân bón của bà Nguyễn Thị Chung ở phố Cốc, xã Dĩnh Trì (TP. Bắc Giang) có dấu hiệu làm giả phân bón NPK-S của Công ty Super Lâm Thao.
“Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã niêm phong, tạm giữ 1 tấn NPK đóng bao loại 25kg/bao; 450kg nguyên liệu và một số vật dụng như: Máy khâu, chỉ khâu và vỏ bao có ghi ký hiệu NPK-S tỷ lệ 5-10-3-8. Qua phân tích chất lượng phân bón thu được cho thấy, phân bón NPK-S của gia đình bà Chung làm là giả; mẫu kiểm tra không đạt chất lượng cho phép và công bố trên bao bì sản phẩm” – ông Khang kể.
Cũng theo ông Khang, trong năm 2015, dù chưa phát hiện ra trường hợp phân bón giả, kém chất lượng nào, nhưng công ty cũng không vì thế mà chủ quan, đơn vị luôn phân công cán bộ, nhân viên kỹ thuật xuống tận xã, huyện trên địa bàn tỉnh để tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón và phân biệt phân bón nên bà con rất yên tâm.
“Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ tin dùng lâu dài”
Ông Khang cho biết thêm: “Năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chỉ sử dụng dưới 80.000 tấn phân bón của Công ty Supe Lâm Thao, nhưng đến giờ, mới giữa năm 2015, lượng phân bón tiêu thụ đã đạt khoảng trên 50.000 tấn, từ nay đến cuối năm, sản lượng sẽ còn tăng lên khoảng gần 100.000 tấn”.
Là hộ trồng hơn 2ha vải thiều, ông Nguyễn Văn Tưởng ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), trung bình mỗi năm sử dụng gần chục tấn phân bón Supe Lâm Thao. Ông Tưởng cho biết: Gia đình tôi đã nhiều năm sử dụng phân bón Supe Lâm Thao và thấy rất hiệu quả, phân không chỉ phù hợp với đất đồi mà còn giúp vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt cao nên tôi rất yên tâm dùng.
Ông Giáp Văn Thành - Trưởng nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết: Nhóm có 35 thành viên sản xuất trên 10ha vải thiều, luôn phải đáp ứng quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu… đặc biệt là việc bón phân cũng phải theo quy trình khép kín và dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật cơ sở. “Từ trước khi được quy hoạch vào vùng trồng vải xuất khẩu cho đến nay, các hộ dân trong nhóm của tôi đã quen sử dụng phân bón NPK Lâm Thao, thấy rất hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người cũng như sản phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính mới mở như Mỹ, Australia” – ông Thành khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thương ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, với diện tích hơn 1 mẫu đất, hàng năm gia đình bà trồng chủ yếu là ngô, lạc và đều sử dụng phân bón NPK của Công ty CP Supe Lâm Thao. Bà Thương bảo: “Nông dân chúng tôi là người trực tiếp sử dụng phân bón, nên rất quan tâm về chất lượng, nếu một khi đã sử dụng loại phân nào thấy hiệu quả thì chỉ bón loại phân đó thôi, không sử dụng phân bón khác nữa”.