Cảnh nhà quê mỗi vùng một khác, nhưng không thể thiếu vắng hình ảnh đàn gà tung tăng kiếm mồi. Nhớ những ngày có lễ tết, giỗ chạp, trên mâm cơm với đĩa thịt gà vàng suộm, các cụ già trong làng tôi lại bắt đầu kể câu chuyện xưa, ngày mới lên đất cửa rừng này lập làng. Các cụ bảo ngày ấy, cỏ tranh còn giăng đầy đất, suối nước trong mà lắng bao nhiêu lá cây độc chỉ cần rửa chân là ngứa điên cuồng. Đêm nghe tiếng hổ gầm vang vọng ngoài bìa làng, sáng ra thấy vết chân lỗ chỗ quanh nhà là chuyện thường tình…
Kỷ niệm khó quên nhất của những đứa trẻ khi ấy là vừa chơi vừa ngồi canh đàn gà con khỏi bị diều hâu, phượng hoàng đất sà xuống bắt đi. Những chú gà cứ lớn dần theo bọn trẻ nên lúc nào cũng quanh quẩn bên chân người cho đến khi đủ sức bay lên ngọn cây rơm để cất tiếng gáy chào ngày mới hay đẻ trứng. Cái cơ nghiệp của nhà nông cũng được nhen nhóm từ con trâu, con lợn, đàn gà, trải qua qua nắng mưa, ngày hạ, đêm đông mà thành đàn, thành bầy sung túc.
Nhưng cũng có nhà gặp năm dịch bệnh gia súc, mất cả giống gà lại được cho đôi sống, mái về gây dựng lại. Gặp ngày mùa lũ gà cũng tíu tít chạy qua chạy lại ăn những hạt thóc vương vãi. Những lúc tháng Ba, ngày Tám nhìn chúng lại gầy nhom, bụng lép kẹp. Bởi thế, tới nhà ai, nhìn đàn gà là biết bữa đói, bữa no của gia chủ.