Trong một lần trò chuyện cùng tôi, một cán bộ ở Hội Nông dân (ND) huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nói: “Chú có tin không, một người ND không biết chữ nhưng ham học hỏi, cần cù làm ăn mà trở thành tỷ phú…”. Câu chuyện thật mà tưởng như đùa ấy đã thôi thúc chúng tôi tìm về nhà ông Phạm Xuân Hùng (41 tuổi) ở thôn 8, xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để được nghe hành trình trở thành tỷ phú của một người ND không biết chữ.
Mê chim đến quên… học chữ
Ngôi nhà khang trang của ông Hùng nằm cạnh Quốc lộ 12A nhưng đóng cửa, người hàng xóm cho biết: “Bây giờ muốn gặp ông Hùng, các anh phải ra vườn ươm cây giống”.
Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại vườn ươm cây giống, ông Hùng tỏ ra bối rối, ngần ngại, vì ông không muốn nhiều người biết chuyện đời mình, vì ở thời buổi này mà nói là không biết chữ thì chẳng hay ho gì. Nhưng rồi, trước sự chân thành của chúng tôi, ông Hùng bắt đầu cởi mở, chia sẻ về cuộc đời của mình. Ông kể: Lúc nhỏ vì quá đam mê bẫy chim mà ông đã nhiều lần theo những thanh niên trai tráng ở làng lặn lội tìm chim ở các vùng núi rừng trong tỉnh, có khi ra tận Hà Tĩnh để bẫy chim. Đã bao lần nhận những trận đòn nhừ tử từ bố vì cái tội trốn học, bỏ nhà đi chơi, mà Hùng vẫn không dứt ra được. Chưa học xong lớp 2, Hùng mải đi theo tiếng chim hót mà bỏ học, và rồi cũng dần quên hết mặt chữ…
Nhưng rồi khi lấy vợ sinh con, gánh nặng cơm áo đã đẩy lùi cái thú đam mê bẫy chim của Hùng. Năm 2004, khi đã bước vào tuổi 30, ông Hùng vẫn tay trắng vì không biết chữ, không nghề nghiệp. Cuộc sống của cả gia đình 4 miệng ăn chỉ dựa vào 2 sào ruộng mà bố mẹ cắt cho. Những năm đó, phong trào “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” nở rộ, cần rất nhiều cây giống, ông Hùng đã chớp ngay cơ hội ấy, thuê đất làm vườn ươm. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm và kiến thức, lại làm thủ công nên thu nhập của ông Hùng vẫn bấp bênh...
“Người bình thường học một, tui phải học trăm lần”
Năm 2012, thấy không thể gò lưng làm vườn ươm theo lối thủ công nữa, ông Hùng lặn lội vào tận huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để học cách làm vườn ươm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. “Công việc làm vườn ươm theo hình thức mới đối với người biết chữ đã khó, nay gặp tui không biết chữ lại khó vạn lần. Người biết chữ thì có thể đọc thêm sách hướng dẫn, còn tui thì chỉ có thể học qua thực tiễn, nhìn người ta làm mà học. Người biết chữ học một thì tui phải học gấp trăm lần…” – ông Hùng chia sẻ.
Dù vậy, vốn là một người sáng dạ, cần cù học hỏi, cuối cùng ông Hùng cũng tiếp thu được cách làm vườn ươm theo hình thức áp dụng kỹ thuật mới, đó là đưa hệ thống tưới tự động vào vườn ươm để giảm sức lao động. Ông về triển khai ngay kỹ thuật ấy tại vườn ươm của gia đình mình. Dẫn chúng tôi ra xem vườn ươm của gia đình với hệ thống ống nước được ông thiết kế rất khoa học, giảm thiểu tối đa sức lao động phải bỏ ra, ông Hùng chia sẻ: “Điều quan trọng trong làm vườn ươm cây giống là phải chọn đất phù hợp (đất chưa trồng loại cây gì, phải là đất đồi), tiếp đến là đặt ống dẫn nước, lắp hệ thống bơm, tỷ lệ đất trồng tại các bầu om, pha chế thuốc... tất cả phải thật hợp lý, đúng quy trình. Đặc biệt, khi tưới cây phải tuân thủ theo quy luật sinh trưởng. Đối với cây mới đưa vào bầu om thì 2-3 phút phải tưới 1 lần; cây 5-7 ngày phải tưới 5 phút 1 lần; cây 10 ngày tuổi thì khoảng 10 phút tưới 1 lần…
Nghe ông Hùng trình bày những kỹ thuật khi làm vườn ươm cây giống, chúng tôi cứ tưởng ông là một kỹ sư lâm nghiệp thực thụ, được đào tạo bài bản tại một ngôi trường nào đó chứ không phải là một người nông dân không biết chữ. “Cái cốt lõi khi làm vườn ươm cây giống là sự chịu khó, quần áo cả ngày không khi nào ráo mồ hôi. Không thức khuya, dậy sớm thì thành quả lao động của mình sẽ không có gì cả...” – ông Hùng bộc bạch.
Lấy chữ tín làm đầu
Qua bao năm gây dựng, bây giờ vườn ươm cây giống với nhiều loại giống từ thông dụng đến quý hiếm của gia đình ông Phạm Xuân Hùng đã trở thành một thương hiệu cho người dân trồng rừng khắp trong tỉnh Quảng Bình và nhiều tỉnh khác như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... tìm đến. Họ tìm đến với ông Hùng không chỉ vì chất lượng cây giống của ông tốt, mà là cách ông làm việc luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.
Ông Hùng kể, mới đây ông xuất hơn 1,2 vạn cây giống cho một thương lái ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên khi đưa cây vào trồng tại địa phương thì chủ cây gọi điện thoại cho ông và bảo rằng đã xảy ra tình trạng vàng lá. Sau nhiều đêm trăn trở tìm nguyên nhân, so sánh lứa cây mình xuất cho họ và cây mình trồng tại nhà thì ông mới biết rằng, số cây đó đã bị phun thuốc diệt cỏ nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Sau đó ông đã điện thoại ngay cho chủ cây bảo sẽ bù đầy đủ số cây giống bị hư hỏng…
Cũng nhờ làm ăn có uy tín nên khách hàng tìm đến vườn ươm của ông ngày càng nhiều. Nhìn cơ ngơi của ông Hùng, khách hàng của ông ai cũng yên tâm, tấm tắc khen ông chịu khó học hỏi và dám làm. Họ càng khâm phục hơn khi biết ông là một người không biết chữ. Hiện tại vườn ươm của ông có diện tích khoảng 8 sào với gần 1,5 triệu cây giống, trị giá lên tới vài tỷ đồng.
Theo ông Hùng, mỗi năm, nếu gặp thời tiết thuận lợi, gia đình ông xuất bán hơn 4 triệu cây giống. Sau khi đã trừ chi phí, gia đình có khoản lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Không những thế, vườn ươm của gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc làm vườn ươm, ông Hùng còn có gần 10ha rừng trồng thông, keo, bạch đàn xanh tốt, dự kiến đến kỳ thu hoạch sẽ cho gia đình ông thu nhập tiền tỷ.
Bây giờ khi đã trở thành tỷ phú, nhưng lúc nào ông Hùng cũng trăn trở về sự học dang dở của mình. Bao năm vất vả, ông Hùng thấm lắm cái sự mù chữ của mình. Vì vậy giờ đây ông chú tâm đầu tư vào việc học hành cho 2 đứa con của mình, với hy vọng mai sau lớn lên sẽ có tương lai xán lạn hơn mình. “Nói thật với các anh, chuyện không biết chữ cũng chẳng hay ho gì, tôi làm gì, đi đâu cũng phải nhờ vợ cả, từ làm hợp đồng đến ký các loại giấy tờ, nhận tiền” – ông Hùng thật thà nói.