Dân Việt

Xây dựng thương hiệu gạo từ làm cánh đồng lớn

HUỲNH XÂY 28/05/2015 14:51 GMT+7
Ngày 27.5, tại TP.Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị cánh đồng lớn (CĐL). Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng,  phải tiếp tục mở rộng CĐL để khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thương trường thế giới.

Tăng sức cạnh tranh của gạo Việt

Sau gần 5 năm (2011-2015) triển khai, mô hình CĐL đã khẳng định được vị trí của một phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, hiện nay, diện tích CĐL vùng ĐBSCL đã lên đến khoảng 290.000ha (tăng trên 283.000ha so với năm 2011).

img
Nhà nông tham quan CĐL ở huyện Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: “Mô hình CĐL đã giúp nông dân (ND) tăng năng suất từ 15-20% so với lúa ngoài mô hình, tăng sức cạnh tranh hạt gạo của Việt Nam trên thị trường gạo thế giới”.

 

Theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, diện tích các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất lúa gạo với ND ngày càng tăng, theo đó tỷ lệ thành công các hợp đồng cũng đã tăng lên đáng kể (từ 30% năm 2013 lên 55% vào năm 2014).

Hiện tại vùng ĐBSCL đang tiếp tục triển khai các dự án về CĐL, cụ thể là: Dự án CoriGap tại TP.Cần Thơ và tỉnh Long An với sự tham gia của Việt Nam và 5 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có dự án VnSat được thực hiện ở 8 địa phương trong vùng để đào tạo ND, hỗ trợ tín dụng cho ND và doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và thiết bị sau thu hoạch lúa.

Sẽ mở rộng diện tích

Quan điểm

TS Phạm Văn Dư
  Để có thương hiệu thì phải tập trung phát triển CĐL, gia tăng năng suất và sản lượng, đặc biệt là chất lượng hạt gạo được khẳng định.  
Tại hội nghị, theo các đại biểu nhận định, CĐL tuy đã mang lại hiệu quả bước đầu và đang được nhân rộng nhưng trên thực tế, mô hình còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ và giá cả, thương hiệu gạo Việt Nam. “Bây giờ chúng ta vẫn chưa có thương hiệu lúa gạo. Để có thương hiệu thì phải tập trung phát triển CĐL, gia tăng năng suất và sản lượng, đặc biệt là chất lượng hạt gạo được khẳng định. Khi có thương hiệu, ND sẽ bán được lúa dễ dàng” - TS Phạm Văn Dư – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt nói về những khó khăn của ngành lúa gạo.

 

TS Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khẳng định: “Thời gian tới, cần phát triển các HTX kiểu mới vì chỉ có đơn vị này gần dân, tìm đơn vị cung ứng với giá thấp cho ND, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho cây lúa bằng cách liên kết với doanh nghiệp bao tiêu”.

Về vai trò của Hội ND trong xây dựng CĐL, TS Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư. Hội ND Việt Nam nhấn mạnh: “Tới đây, các cấp hội phải chủ động, hợp tác với các cơ quan có liên quan vận động người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của CĐL, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, có chia nhiều tổ nhỏ để dễ quản lý. Ngoài ra các cấp hội cần giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn và hỗ trợ ND ký kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp…”.