Tương tự như Sargara, Santa Devi Meghwal bị cha mẹ hứa gả khi mới 11 tháng tuổi. Và theo đính ước của hai bên gia đình, khi tròn 16, cô bé sẽ phải về nhà chồng.
Sargara, hiện 21 tuổi chia sẻ, gia đình "chồng" của cô ở bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ. Khi cô tròn 16 tuổi, họ đến nhà cô để xin đón dâu. Tuy nhiên, Sargara kiên quyết không chịu về nhà chồng sau khi nghe kể về trường hợp một cô gái bằng tuổi mình, bị ép buộc lấy chồng quá sớm theo sự sắp đặt của cha mẹ đã tự vẫn sau nhiều năm bị bạo hành và lạm dụng. Thiếu nữ cũng chưa chuẩn bị tâm lý để đi làm dâu.
Sargara đã cầu cứu các nhà hoạt động vì quyền của trẻ em và phụ nữ ở địa phương. Sau đó, cô gái trẻ được hướng dẫn nộp đơn ra tòa xin hủy hôn ước mà cha mẹ hai bên tự ý sắp đặt.
Do "chồng" cô cũng chấp thuận, đơn xin "ly hôn" của Sangara được thẩm phán chấp thuận. Khi đó, Sangara 17 tuổi và đã thoát khỏi cuộc tảo hôn do cha mẹ sắp đặt khi cô lọt lòng. Cách đây 2 năm, khi Sargara tròn 19 tuổi, cô kết hôn với người đàn ông mà cô tìm hiểu và yêu thương thực sự.
Tình trạng tảo hôn đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn Ấn Độ khi những bé gái bị gả chồng từ rất sớm. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, đối với Meghwal, việc "ly hôn" lại không dễ dàng và suôn sẻ như Sargara. Meghwal chia sẻ, khi cô tròn 16 tuổi, Saanval Ram, người Meghwal bị hứa gả khi chưa tròn 1 tuổi và gia đình anh ta lần đầu tiên tới nhà gái để xin đón dâu. Meghwal phản kháng và tìm mọi cách để trì hoãn cuộc hôn nhân của mình.
Hai năm sau, khi Meghwal 18 tuổi, nhà trai tiếp tục sang nhà gái đòi xin dâu. Meghwal vẫn không chịu về nhà chồng. Một năm sau, khi thiếu nữ tròn 19 tuổi, gia đình Ram lại sang đòi đón dâu nhưng Meghwal vẫn kiên quyết khước từ. Đến lúc này, gia đình nhà trai phẫn nộ.
Các già làng nơi Meghwal sinh sống quyết định phạt vạ gia đình cô gái 1,6 triệu rúp (hơn 25.000 USD). Không có khả năng thanh toán khoản tiền khổng lồ đó, gia đình thiếu nữ phải bỏ trốn khỏi làng.
Tuy nhiên, "chồng" và nhà chồng của Meghwal không buông tha cho cô.
Saanval Ram không chấp nhận hủy bỏ hôn ước và đe dọa sẽ bắt cóc cô dâu nếu cô tiếp tục phản kháng.
Dù vậy, Meghwal không bị khuất phục bởi những lời dọa nạt. Cô gái trẻ đã nộp đơn "ly hôn" ra tòa và nhấn mạnh, cô muốn được đi học. Meghwal cho biết, cô đang nỗ lực học tập để trở thành cô giáo. Cô muốn sống cuộc đời do chính mình lựa chọn.
"Cảm xúc bất mãn trào dâng mãnh liệt trong tôi vào thời điểm đó (khi gia đình "chồng" cô đến nhà đòi xin dâu). Tại sao tôi phải thuận theo một việc mà tôi không hề mong muốn và chưa từng chấp thuận. Tôi không thể chấp nhận việc mình bị đối xử giống như một món hàng, được một người đàn ông xa lạ lựa chọn...", Santa Devi Meghwal chia sẻ qua điện thoại từ quận Jodhpur, bang Rajasthan.
Một cô dâu trẻ ở Ấn Độ khóc đẫm nước mắt khi phải kết hôn sớm.
Bharti, một nhà hoạt động chống lại nạn tảo hôn 27 tuổi và cũng từng "ly hôn" với người chồng mà cô bị ép gả, hiện đang giúp Meghwal nộp đơn khiếu kiện ra tòa nhấn mạnh: "Trường hợp của Meghwal sẽ mất nhiều thời gian hơn (để giải quyết). Ram không chấp nhận hủy hôn. Tuy nhiên, tất cả những gì anh ta có thể làm là rút lui. Cuối cùng, Meghwal sẽ chiến thắng vì luật pháp đứng về phía cô ấy".
Ấn Độ vốn là một trong những nước có tỷ lệ ly hôn thấp nhất thế giới. Việc ly hôn đặc biệt bị kỳ thị ở các khu vực nông thôn. Một phụ nữ ly hôn cũng sẽ rất khó tái hôn. Thủ tục ly hôn ở Ấn Độ cũng rất rườm rà khi tòa án phải mất nhiều tháng để giải quyết và quá trình này rất tốn kém. Đặc biệt, thủ tục giải quyết hủy hôn cho các cô dâu trẻ con trong các vụ tảo hôn càng rối rắm, phức tạp hơn nhiều.
Các nhà hoạt động ở Ấn Độ cho biết, gần một nửa thiếu nữ Ấn Độ kết hôn trước khi họ bước sang tuổi 18, bất chấp việc này vi phạm pháp luật.
Nhiều bậc cha mẹ ở Ấn Độ vội vàng gả chồng cho con gái từ khi con còn rất bé. Họ lo sợ rằng nếu không sớm gả chồng, các cô con gái sẽ giống như "quả bom" trong nhà, có thể yêu đương sớm và quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên rồi mang thai, bôi nhọ danh dự gia đình. Nguyên nhân quan trọng thứ 2 là, các bậc cha mẹ lo lắng, nếu không sớm được gả chồng, các cô gái có thể bị ế, hoặc không thể tìm được chồng môn đăng hộ đối.
Tảo hôn dẫn đến việc các cô gái có thể phải bỏ học, có thai sớm và phải làm mẹ khi còn quá trẻ, chưa phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tâm lý.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình của Ấn Độ, nữ dưới 18 tuổi và nam dưới 21 tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật. Những người kết hôn dưới độ tuổi cho phép có thể bị phạt tù 2 năm và phạt tiền tới 200.000 rúp (hơn 3.200 USD). Tuy nhiên, theo ước tính của UNICEF, năm 2014, 47% các thiếu nữ Ấn Độ kết hôn trước khi họ bước sang tuổi 18. Việc tảo hôn phổ biến nhất ở các vùng nông thôn do trình độ dân trí thấp.