“Làm khoai tây đã 30 năm có dư, kinh nghiệm tích lũy không ít, nhưng “công nghệ” biến khoai tây thành thứ hàng hóa “3 năm không hỏng” như cái thứ khoai ấy thì quả tình là tôi chưa nghĩ tới bao giờ” – ông Nguyễn Văn Chút ở phường 8, Đà Lạt chua chát.
Rất khó phân biệt đâu là dâu Trung Quốc, đâu là dâu Đà Lạt. |
Phù phép cho khoai, dâu
“Trước đây, nạn “giả” khoai tây Đà Lạt ít thôi, còn nay thì nhiều rồi!” – một Chủ tịch Hội Nông dân phường cho phóng viên biết.
Theo cách giảng giải của ông, “công nghệ” biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt không có gì là khó: Khoai Trung Quốc vốn da dày, ruột xốp, màu trắng… nên nhập về phải ngâm trong một loại hóa chất cho nó săn lại, rồi rửa sạch, phơi khô; sau đó phủ lên vỏ một lớp đất đỏ đặc trưng Đà Lạt làm thành một “chiếc áo” là trở thành khoai… Đà Lạt.
“Giá khoai Trung Quốc nhập về chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, “làm áo” xong, bán khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg, dẫu thấp hơn nhiều so với giá khoai tây Đà Lạt nhưng vẫn lãi to!” – ông Chút cho biết.
Cũng như vậy, trong những ngày gần đây, ngay ở thị trường Đà Lạt, đến người tiêu dùng địa phương vốn thành thạo nhiều món được chế biến từ dâu tây, cũng đang “hoa mắt” bởi không thể phân biệt đâu là dâu tây Đà Lạt, đâu là dâu tây Trung Quốc.
Chị Hà - người chuyên bán dâu tây ở ngay lối vào chợ Đà Lạt, tiết lộ: “Hàng dâu tây Đà Lạt ở chợ thường là “hàng thải”, giá chỉ trên dưới 15.000 đồng/kg; còn giá tại vườn, loại I có lúc lên đến 80.000 – 90.000 đồng/kg, nhưng chủ yếu chỉ để cân cho nhà buôn và nhà buôn mang đi tỉnh khác, hoặc xuất khẩu.
Với “hàng thải” lấy vào từ 15.000 – 17.000 đồng/kg, chúng tôi bán lại cho khách khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg là được giá lắm rồi. Nhưng cái khổ là trong thời gian gần đây, dâu Trung Quốc về quá nhiều nên dâu Đà Lạt cứ mỗi ngày rớt một giá, xót lắm!”.
Cũng theo chị Hà, dâu tây Trung Quốc nhập về với giá khá thấp, không bằng một nửa so với dâu tây Đà Lạt, được trộn lẫn với dâu tây Đà Lạt rồi bán cho khách hàng (chứ không có kiểu làm giả như làm giả khoai tây). Nhưng điều quan trọng là ở chỗ, theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp Đà Lạt, nguy cơ từ những tác hại của dâu tây Trung Quốc đã ngâm qua hóa chất đến giờ vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận.
Sự gian lận nói trên gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng lẫn nhà vườn, đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu “Rau Đà Lạt” mà cả chính quyền lẫn người dân Đà Lạt cố công gầy dựng trong rất nhiều năm mới có được.
Làm GAP cho rau Đà Lạt
Theo ông Đoàn Văn Việt - Bí thư Thành ủy Đà Lạt, trong tháng 6, thành phố sẽ chính thức công bố nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, đến toàn thể nhân dân Đà Lạt và cả phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, Đà Lạt cũng đang hoàn chỉnh Dự thảo “Quy trình, thủ tục cấp, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận rau Đà Lạt” gồm 5 chương, 16 điều cùng với Dự thảo “Hình thái, mẫu mã sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và cách sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt” gồm 4 chương, 9 điều.
Theo đó, để được sử dụng nhãn hiệu rau Đà Lạt thì các tổ chức và cá nhân phải đăng ký với cơ quan chức năng và phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trên tinh thần nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ vững thương hiệu rau Đà Lạt trên thị trường không chỉ trong nước, mà còn cả thị trường thế giới.
Nói như TS Phạm S - Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng là: “Sản phẩm được cấp nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” phải là thứ đạt nhiều tiêu chí như đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, thu hoạch, đóng gói, bao bì, mẫu mã… theo đúng quy trình về GAP”.
Võ Khắc Dũng