Tận diệt gỗ rừng
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền huyện Tây Trà, chúng tôi đã tìm vào khu vực rừng Sờ Lát và suối Y, nơi được coi là "đại công trường khai thác gỗ" trong vỏ bọc "tận thu gỗ trên đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp". Cả khu vực rừng hàng trăm cây gỗ đại thụ giờ chỉ còn trơ lại gốc. Xen lẫn với những thân cây dài từ 10-20m bị đốn hạ nằm ngổn ngang còn có 10 tấm gỗ xẻ thành phẩm có kích thước 10x40x5m vẫn chưa kịp vận chuyển đi.
“Nếu vào đây 5-7 ngày trước thì số gỗ bị cưa thành từng đoạn tại đây và ven đường nhiều gấp cả chục lần. Trong số này có khúc đường kính cả mét và dài 5-7m” - anh Hồ Văn Những- Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Trà Thọ phản ánh.
Được biết diện tích được khai thác tận thu gỗ tại 2 khu vực này khoảng 3,1ha, nằm trong diện đã được quy hoạch ngoài lâm nghiệp (đất rừng "trắng" không có cây) từ năm 2007, thuộc quyền sở hữu của ông Hồ Văn Liêng (cùng xã). Qua kiểm đếm trước đó thì trên phần đất này có 686 cây rừng tự nhiên, với đường kính từ 16-60cm, tương ứng với 230m3 gỗ các loại... Ông Nguyễn Ngọc Quang- Phó Giám đốc Ban quản lý Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong (gọi tắt là BQL) xác nhận: Trong số 107ha rừng sản xuất được thu hồi để cấp cho 215 hộ dân/993 khẩu thuộc diện tái định cư của dự án nằm trên địa bàn huyện Tây Trà, khu vực rừng Sờ Lác và suối Y là địa điểm có số lượng cây gỗ tự nhiên nhiều nhất.
Đền bù theo kiểu "thầy bói xem voi"
Dù được giao áp giá đền bù cây gỗ, thế nhưng cán bộ BQL không một ai có chuyên môn về các loại cây gỗ rừng. Thay vì cây gỗ của dân được phân loại để đền bù với 2 mức giá: 500.000 đồng/m3 và 300.000 đồng/m3, BQL đã quy gần như toàn bộ cây rừng nằm trong diện tích đất rừng bị thu hồi vào diện gỗ tạp (từ nhóm VII trở lên), với mức giá đền bù là 300.000 đồng/m3 gỗ tạp. Theo đó khoảng 686 cây rừng tự nhiên, gồm nhiều loại đại thụ quý có tuổi đời hàng trăm năm (chò, xoan...), với 230m3 gỗ của ông Liêng tại vườn rừng khu Sờ Lát và suối Y, được BQL đền bù chỉ 69 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hân- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Số gỗ trên hiện ở thị trường nằm mức 4 triệu đồng/m3.
Dù đền bù cho dân với giá rẻ mạt như vậy, nhưng ông Nguyễn Ngọc Quang vẫn chống chế: Khi đền bù không một người dân nào có ý kiến gì (?).
“Tôi cũng thấy choáng”
Trả lời với PV NTNN, ông Nguyễn Văn Hân thẳng thắn: Vì đã được quy hoạch ngoài lâm nghiệp nên nguồn gốc gỗ và gỗ đã khai thác vận chuyển đi từ khu vực rừng này là hợp pháp. Phát hiện có số lượng cây tự nhiên lớn nhưng UBND xã Trà Thọ, kiểm lâm địa bàn Trà Thọ và kiểm lâm huyện Tây Trà đã không báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để có hướng xử lý phù hợp. Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ 122m3 gỗ tận thu ở đây. Ngay cả bản thân tôi cũng thấy choáng trước khối lượng gỗ tận thu này.
Ông Nguyễn Ngọc Quang giải thích: Khi phát hiện số lượng gỗ tự nhiên nhiều bất thường như vậy, do không có ý thức trong việc bảo vệ rừng nên cán bộ của BQL tham gia kiểm đếm đền bù không báo, dẫn đến số cây gỗ đại thụ trên bị đốn hạ để tận thu.
Ông Hoàng Như Lâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Việc tiến hành khai thác tận thu tại khu vực rừng trên là do Ban quản lý dự án Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong tự ý tổ chức, không thông qua và chưa được chính quyền huyện Tây Trà phê duyệt. Hiện vụ việc đã dược chuyển Công an tỉnh Quảng Ngãi để cơ quan này điều tra và làm rõ.