Đầu tháng 4.2011, bể chứa nước thải của Nhà máy Bột giấy Thiên Thành Đắc tại thôn Phú Thuận bất ngờ bị vỡ, gây ô nhiễm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của hơn 100 hộ dân nằm cách đó 300m.
Sau khi lấp hồ chứa nước thải bị vỡ để phi tang, Công ty Thiên Thành Đắc lại đào một cái hố nhỏ xíu này để đối phó với cơ quan chức năng. |
Đầu độc nước ngầm bằng hóa chất
Chị Nguyễn Thị Thịnh bức xúc cho biết: "Sau khi hồ chứa nước thải của Nhà máy Bột giấy bị vỡ, nước giếng có màu đỏ sẫm, đặc quánh, bốc mùi tanh nên không sử dụng được. Chúng tôi phải qua các thôn khác chở nước về ăn uống, tiết kiệm từng giọt, tốn kém và khổ sở hết chỗ nói".
Về sự cố vỡ hồ chứa nước thải của Nhà máy Bột giấy Thiên Thành Đắc, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô đã tiến hành lập biên bản tại hiện trường vào ngày 15.4. Theo đó, "hệ thống bể chứa nước thải trung hòa tái sử dụng của nhà máy bị hư hỏng, chảy tràn ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước ngầm".
Cũng theo đoàn kiểm tra, kể từ khi hồ chứa nước thải bị vỡ, Công ty TNHH Thiên Thành Đắc chưa tiến hành khảo sát, đánh giá, xử lý lượng chất thải phát sinh ra môi trường xung quanh. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty Thiên Thành Đắc phải xử lý triệt để lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường, khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải trung hòa tái sử dụng phải làm bể chứa tạm thời và hoàn thành trước ngày 15.5.
Bà Nguyễn Thị Muối - Giám đốc điều hành Nhà máy Bột giấy - còn hứa lắp đặt một đường ống dẫn nước về cho người dân thôn Phú Thuận dùng tạm trong khi chờ khắc phục ô nhiễm. Nhưng đến nay Công ty Thiên Thành Đắc vẫn không xử lý ô nhiễm, cũng chẳng thấy đường ống dẫn nước cho dân dùng tạm đâu.
Vi phạm một đằng, xử phạt một nẻo
Điều đáng nói là Công ty TNHH Thiên Thành Đắc bị lập biên bản về hành vi xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường lại tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Krông Nô ký quyết định xử phạt về hành vi xả... nước mưa.
Theo Quyết định 754/QĐ - XPHC ngày 12.5 của UBND huyện thì Công ty Thiên Thành Đắc bị phạt 22 triệu đồng do không thực hiện chương trình giám sát môi trường như bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.
Trả lời NTNN về nghịch lý trên, ông Phạm Thế Khanh - cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: "Mặc dù đã lập biên bản, nhưng chúng tôi không thể xử lý Công ty Thiên Thành Đắc vì bể trung hòa xử lý nước thải không phải là hệ thống xử lý nước thải (?!). Mặt khác là tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đã san lấp bể chứa nên không xác định được khối lượng, nồng độ ô nhiễm đối với môi trường".
Lại hỏi vì sao không giám sát việc khắc phục hậu quả của Công ty Thiên Thành Đắc, ông Khanh trả lời: "Trong biên bản có nói sau ngày 15.5, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra việc khắc phục hậu quả của công ty, nhưng do chúng tôi không có lực lượng nên đến nay cũng chưa kiểm tra được".
Rõ ràng từ biên bản vi phạm đến quyết định xử phạt, công tác giám sát khắc phục hậu quả của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô đối với Công ty TNHH Thiên Thành Đắc là rất có vấn đề.
Đồng Nguyên