Hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản liên quan đến: Dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, biến đổi gen, canh tác, môi trường, đóng gói, ghi nhãn… Một thực tế là trong thời gian gần đây, có nhiều thông tin về việc rau quả Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cấm xuất khẩu sang thị trường EU do nhiều lô hàng bị cảnh báo nhiễm khuẩn.
Nông sản Việt Nam (Ảnh: IT).
Nhằm tháo gỡ, tìm ra được những lí do, nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ được vấn đề nóng này, ngày 29.5, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức buổi hội thảo "Hội nhập quốc tế - Cơ hội và thách thức đối với ngành nông nghiệp".
Tham gia hội thảo, các đại biểu đã cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I và đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng... chia sẻ các rào cản về kỹ thuật đối với nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước cùng những khó khăn, khúc mắc cần được tháo gỡ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) cho rằng: "Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có tới 40 loại trái cây tươi đã xuất khẩu đến thị trường của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu trái cây của nước ta các loại năm 2014 đạt tổng kim ngạch là 1.477 tỷ USD".
Ông đặc biệt nhấn mạnh, công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường đang gặp phải khá nhiều khó khăn như điều kiện nhập khẩu khắt khe hơn, kinh phí phục vụ cho công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật nhằm mở cửa thị trường cho rau, quả tươi đang thiếu, vấn đề về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật gây khó khăn cho Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang các nước bạn.
Vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu là vấn đề hết sức quan trọng nếu không chủ động tháo gỡ thì nông sản Việt sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Thậm chí, nông sản Việt có thể sẽ bị cấm xuất khẩu tại nhiều nhiều quốc gia trên thế giới.
Kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu nông sản cũng là một trong những công tác quan trọng. Bởi đây là việc sử dụng những rào cản kỹ thuật, những biện pháp xử lý nhằm mục đích ngăn chặn những loài dịch bệnh gây hại nguy hiểm có khả năng đi theo các sản phẩm xuất khẩu vào trong các nước nhập khẩu. Đồng thời, hoạt động này cũng nhằm đảm bảo các nông sản nhập khẩu có chất lượng tốt nhất và bảo hộ được sản xuất trong nước.
Bên cạnh các tiêu chuẩn của các quốc gia sở tại, người nông dân và các đơn vị doanh nghiệp cũng cần chú ý hơn nữa các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các tổ chức tư nhân. Hiện nay, có gần 50 tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật gây cản trở cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Hơn lúc nào hết, chính những doanh nghiệp, những nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến của mình để những nông sản thực phẩm làm ra thực sự đảm bảo chất lượng và an toàn, giữ được hình ảnh và chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường thế giới.