Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng 8 căn cứ quân sự đặt tại Philippines để luân chuyển lực lượng bộ binh, các máy bay chiến đấu và tàu chiến trong vòng 10 năm theo một Hiệp định Hợp tác Quốc phòng được ký từ tháng 4.2014.
Căn cứ quân sự Clark, nơi máy bay Thần biển Poisedon P-8A của Mỹ cất cánh tuần tra và phát hiện nhiều hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
2 trong số 8 căn cứ này có thể giúp Mỹ nhanh chóng tiếp cận quần đào Trường Sa trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trong khi các cơ sở khác sẽ là nơi quân đội Mỹ theo dõi và hạn chế các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông.
Hiện kế hoạch thiết lập tuyến phòng thủ này đang được Washington phác thảo chi tiết và sẽ được bổ sung vào kế hoạch điều máy bay và tàu chiến đến các khu vực đang bị tranh chấp trên biển Đông vốn được Lâu Năm góc tuyên bố trước đó.
Nếu cuối năm nay, Tòa án tối cao của Philippines thông qua tính hợp hiến của các thỏa thuận thuộc Hiệp định Hợp tác Quốc phòng với Mỹ, thì đây sẽ được xem là bước tiến đáng kể cho kế hoạch "xoay trục" về châu Á của chính quyền Washington trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Jose Custodio, một chuyên gia quân sự Philippines và nguyên là cố vấn cho một công ty quốc phòng Mỹ chia sẻ với tờ The Strait Times rằng: "Người Mỹ đang nhìn xa trông rộng bởi một khi Trung Quốc chiếm được Trường Sa và thâu tóm được Biển Đông thì "nắm đấm" của Bắc Kinh sẽ tiến tới chuỗi đảo thứ 2: Guam, nơi có căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương".
Trong kế hoạch này, đáng lưu ý phải kể đến việc Mỹ cũng muốn quay lại hai căn cứ cũ của họ ở Philippines là Subic và Clark, nơi quân Mỹ từng đồn trú tới tận năm 1992.
Subic là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài dù hiện đã bị chuyển đổi thành đặc khu kinh tế nhưng nhiều tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên ghé vào cảng quân sư này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho rằng, việc trục xuất các căn cứ quân sự của Mỹ trong quá khứ là một sai lầm.
"Nếu người Mỹ không rời đi, chưa chắc chúng ta đã bị rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể lại gần bãi cạn Scarborough nếu như quân đội Mỹ vẫn còn được đóng tại Subic", ông Gazmin phát biểu.
Kể từ năm 2012, sau khi có những căng thẳng về tranh chấp trên biển với Philippines, Trung quốc đã thiết lập một vùng cấm tại Scarborough và bắt giữ nhiều ngư dân Philippines tham gia đánh bắt tại khu vực này.