“Sóng gió” Malvinas
Từ năm 2000 sản lượng dầu khí tại các mỏ của Anh ở biển Bắc đã giảm dần đều, và các công ty dầu khí chính của họ như BP và Shell đang rời bỏ nơi đây để tìm kiếm các nguồn trữ lượng khác có lợi nhuận cao hơn như tại Trung Đông và Trung Á.
Nước Anh từ vị thế xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu khí đốt. Các chuyên gia đã trù tính việc dỡ bỏ dần dần các giàn khoan dầu tại biển Bắc từ nay tới năm 2035.
Nguồn trữ lượng đầy tiềm năng tại vùng biển bao quanh Malvinas sẽ đóng vai trò thay thế những mỏ dầu cạn kiệt trên, nhưng ngoài dầu khí và hải sản phong phú, quần đảo này còn là điểm nút quan trọng để Anh có thể đòi hỏi quyền lợi được thăm dò và khai thác dầu khí tại Nam Đại Tây Dương, Nam Đại Dương và Nam Cực.
Tàu tuần tra thuộc Hạm đội IV của Mỹ hiện diện thường xuyên ở vùng biển tranh chấp Malvinas. |
Tuy nhiên, trên thực tế, Argentina lại cũng đang khăng khăng cho rằng, Malvinas là thuộc chủ quyền của nước này. Các cuộc khẩu chiến giữa Anh và Argentina vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, có thể nhận thấy một phần chiến lược ngoại giao của Anh trong vấn đề này là cố gắng giành giật thời gian, nhằm có thể tiến hành thêm nhiều hoạt động cụ thể để củng cố chủ quyền thực tế tại quần đảo đang tranh chấp này.
Hồi tháng 5.2010, một giàn khoan thăm dò dầu khí của Công ty Ocean Guardian đã được đưa tới Malvinas và hiện đã bắt đầu hoạt động tại vùng biển quanh quần đảo, và theo dự báo, nhiều giàn khoan tương tự cũng sẽ được chuyển tới trong thời gian tới.
Trong khi đó, Mỹ lại tăng cường hiện diện tại khu vực Nam Đại Tây Dương với Hạm đội IV mới được tái khởi động và các căn cứ không – hải quân sử dụng chung với Anh, như tại Ascención và Malvinas và tạo lợi thế tại chính Nam Cực với các căn cứ rải rác của Lực lượng phòng thủ bờ biển, các dự án tăng cường sức mạnh không quân tại đây và thậm chí đã có một sân bay hoạt động thường xuyên (Amundsen – Scott, cho tới nay vẫn được đăng ký là sân bay khoa học) nằm tại ngay điểm cực.
Về phần Argentina, học thuyết quân sự hiện tại của nước này hoàn toàn mang tính phòng thủ, loại bỏ mọi khả năng tấn công hay răn đe, điều có lợi tới mức khó tin cho người Anh. Đối với Bộ Quốc phòng Argentina, quốc gia này không có giả thuyết xung đột và không có kẻ thù trong hay ngoài khu vực. Argentina đã chấp nhận một thái độ hoàn toàn mang tính phòng ngự, và chỉ đáp trả khi bị một nước khác tấn công bằng quân sự.
Một cuộc chiến thầm lặng giữa nội bộ các cường quốc phương Bắc (cả Nga và Trung Quốc cũng sẽ sớm nhảy vào cuộc) đang được triển khai tại Nam Cực, mặc dù một số nước phương Nam cũng không muốn chậm chân theo sau các sự kiện này.
Trong đó, Australia với yêu cầu khu đặc quyền 2,5 triệu km2 tại Nam Đại Dương (được Liên Hợp Quốc phê chuẩn năm 2008) đã tăng đáng kể chi phí quân sự, mức tăng cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đằng sau Hiệp ước bảo vệ Nam Cực 1959 – với mục đích công khai là bảo tồn lục địa băng giá này như một không gian thiên nhiên để phát triển hòa bình là cả một đấu trường nóng bỏng và khốc liệt.
Vụ GCX nổi danh
Trong số những vụ tranh chấp trên biển, hồ sơ “GCX” giữa Guyana và Suriname đã nổi danh trên trường quốc tế bởi không chỉ có khẩu chiến, các vụ đấu súng cũng đã được giải quyết thỏa đáng sau khi cả hai bên lôi nhau ra tòa án quốc tế.
Guyana và Suriname là hai quốc gia nhỏ bé Nam Mỹ bên bờ Đại Tây Dương. Do là hai quốc gia liền kề nên vùng biển, kể cả thềm lục địa, mà Guyana và Suriname được hưởng theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 chồng lấn lên nhau và cần phải phân định.
Hai bên tuy chưa tiến hành phân định biên giới biển nhưng đều cho phép các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng biển chồng lấn. Trong số các nhà thầu của Guyana có Tập đoàn CGX của Canada bắt đầu tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực tranh chấp từ năm 1999. Tháng 5.2000, Suriname yêu cầu Guyana chấm dứt toàn bộ các hoạt động thăm dò tại khu vực tranh chấp.
Đỉnh điểm của tranh cãi giữa hai bên là sự việc diễn ra ngày 3.6.2000 khi hai tàu hải giám của lực lượng hải quân Suriname tiến đến gần tàu khoan dẫn dầu C.E. Thornton của CGX, yêu cầu chấm dứt hoạt động và áp giải tàu này rời khỏi khu vực hoạt động đã được Guyana cấp phép.
Năm 2004, Guyana đã đơn phương sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982 để giải quyết vùng biển chồng lấn với Suriname. Một tòa trọng tài gồm 5 luật gia quốc tế được thành lập để giải quyết tranh chấp theo đề nghị của Guyana do cả Guyana và Suriname đều đã là thành viên của công ước này và không bảo lưu việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.
Guyana cáo buộc Suriname đã vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế trong sự kiện CGX, trong đó có việc, Suriname đã sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Guyana và chống lại công dân cùng các thực thể khác hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Guyana.
Guyana cũng yêu cầu tòa ra phán quyết yêu cầu Suriname khắc phục những thiệt hại phát sinh đối với Guyana, trong đó có cả việc bồi thường, do đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế nói trên.
Tòa trọng tài trong phán quyết ngày 17.9.2007 cho rằng, trong sự kiện CGX, Suriname đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực theo Công ước Luật Biển, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung.
Quang Minh (tổng hợp)