Cho vải thiều “đẻ” quả giữa thân cây
Đó là câu chuyện khó tin nhưng có thật của ông Trần Văn Hành – Chủ tịch Hội ND xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Nghe ông Hành tọa đàm trên hội nghị, chúng tôi rất tò mò. Bất chấp cái nắng như thiêu như đốt của trưa hè tháng 5, chúng tôi cùng đoàn công tác vượt chặng đường hơn 60km về thăm vườn vải của ông Hành. Vườn vải sai trĩu, quả mọc từng chùm chi chít trên thân cây. Chỉ còn khoảng mươi ngày nữa sẽ vào vụ thu hoạch vải. Những quả vải to, mọng đang chuyển sang sắc đỏ rất đẹp mắt. Với bí quyết của riêng mình, ông đã làm cho cây vải không chỉ ra quả trên ngọn như thường lệ mà còn ra quả trên thân.
Tiên phong học và dạy nghề làm hương
Chị Nguyễn Thị Xiêm (sinh năm 1979) ở thôn Khánh, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang là người có công đưa nghề làm hương xuất khẩu về quê mình. Hiện nay, cơ sở sản xuất hương của chị đang tạo việc làm cho 25 lao động với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Quê chị Xiêm ruộng ít, khi làm xong vụ lúa, chị không có nghề gì làm thêm, cuộc sống rất vất vả. Không muốn mãi chịu cảnh an nhàn trong thiếu thốn, chị Xiêm quyết định về Hưng Yên tìm chỗ học nghề làm hương. Thấy nghề này cho thu nhập cao, công việc không quá vất vả, ai cũng có thể làm được chị bèn rủ các chị em khác đến học. Chị tự bỏ tiền mua nguyên vật liệu và thuê thợ từ Hưng Yên về tận thôn Khánh để dạy nghề cho lao động nữ ở quê. Trải qua nhiều khó khăn vất vả, đến nay cơ sở sản xuất hương của chị đã có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Ấn Độ, Trung Quốc.
“Muốn một nghề mới có chỗ đứng vững vàng không chỉ đơn giản là dạy nghề xong rồi để mạnh ai người ấy lo, quan trọng nhất là phải tạo cơ sở, điều kiện tốt giúp người học duy trì và phát triển nghề mới. Tôi đề nghị Nhà nước, các cấp Hội ND có chính sách ưu đãi như tạo điều kiện cho vay vốn, thuê mặt bằng sản xuất dài hạn để khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa nghề mới về dạy cho người ND và hỗ trợ họ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm” - chị Xiêm bày tỏ.
Nuôi lợn bằng máy lạnh, thu lãi 10 tỷ đồng/năm
Năm 2002, ông Nguyễn Văn Tứ, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang xuất phát điểm với 12 con lợn nái siêu nạc. Sau 1 thời gian chăn nuôi, thấy giống lợn này cho năng suất tốt, ông Tứ quyết định nhân đàn lên 40 con (năm 2014), rồi 170 con (năm 2008) và đến thời điểm này là 420 con lợn nái siêu nạc. Ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, hiện đại (có máy lạnh). Mỗi tháng, ông xuất bán 400 – 450 con lợn giống với giá từ 1,35 – 1,4 triệu đồng/con và hơn 35 tấn lợn thương phẩm.
Từ năm 2012, ông đứng làm đại lý cấp 1 cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Từ chăn nuôi lợn và làm dịch vụ thức ăn chăn nuôi, ông thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi tháng, tính cả năm, ông thu lãi khoảng 10 tỷ đồng. Giàu có và sống tình nghĩa với bà con ND sở tại, mỗi năm ông Tứ hỗ trợ gần 200 ND nghèo mua chịu, không lấy lãi tiền con giống, thức ăn cho đàn lợn đến khi nào bán lợn mới trả tiền.
Ông Tứ tiết lộ, nhờ thực hiện tốt việc tiêm phòng và vệ sinh cho đàn lợn nên trải qua hơn 13 năm chăn nuôi đến nay chưa bao giờ trại lợn của ông bị dịch bệnh.