Hàng bình ổn giá mới chỉ đến được người có thu nhập khá. Ảnh minh hoạ, chụp tại siêu thị Hapro food Hà Nội. |
Mục tiêu của chính sách bình ổn giá là để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh lạm phát đang tái diễn và có nguy cơ tăng cao từ nay đến cuối năm. Ông có cho rằng chương trình bình ổn giá thời gian gần đây đã đạt được mục tiêu hay không?
- Chính phủ có 2 mục tiêu đó là muốn tăng trưởng cao nhưng lại phải kiềm chế lạm phát ở mức độ thấp. Hai mục tiêu này luôn luôn mâu thuẫn với nhau. Muốn tăng trưởng cao và giữ ổn định tăng trưởng thì phải tăng tín dụng, tăng cung tiền. Nhưng từ đó dẫn tới nguy cơ mất cân đối hàng - tiền, dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát cao, khó có thể kiềm chế.
Vừa qua để kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó bên cạnh chính sách bình ổn giá còn triển khai các biện pháp để kiểm tra giá cả hàng hóa, đăng ký giá… Xét về mặt ý nghĩa thì cần phải trân trọng những biện pháp đó, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đây là những biện pháp hành chính, chỉ có tác dụng hạn chế phần nào, về lâu dài lạm phát vẫn đang diễn biến rất phức tạp. 90% tổng sản phẩm quốc nội đều từ nhập khẩu, trong bối cảnh giá hàng hóa trên thế giới cũng tăng cao thì lạm phát rất khó khăn để kiềm chế.
Có không ít ý kiến lo ngại chính sách bình ổn giá đi ngược lại quy luật thị trường? Ông có đồng tình với ý kiến này?
- Như trên tôi đã nói, thực chất của chính sách bình ổn giá là dùng biện pháp hành chính để kiểm soát việc tăng giá. Do vậy nó chỉ có tác dụng và đem lại hiệu quả trong ngắn hạn. Bởi nhìn về căn nguyên của việc tăng giá là do cung tiền lớn nhưng không sản xuất ra hàng hóa gây mất cân đối cung cầu, dẫn đến lạm phát, giá cả hàng hóa tăng.
Người nghèo ở khu vực nông thôn ít khi được tiếp cận với hàng hóa thuộc chính sách bình ổn giá bởi thực tế rất ít doanh nghiệp mặn mà với việc đưa hàng được trợ giá về nông thôn, làm gì để thay đổi điều này?
- Gần đây tại hội nghị tổng kết 1 năm việc đưa hàng về nông thôn đã cho thấy một thực tế các doanh nghiệp không muốn mang hàng về nông thôn. Hệ thống phân phối kém hiệu quả nên hàng hóa không về đến thị trường nông thôn. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu được ưu tiên như hoàn thuế, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nên rõ ràng họ thấy xuất khẩu lợi thì họ làm.
Vì vậy muốn cho doanh nghiệp bán hàng hóa về vùng nông thôn thì phải có nhiều chính sách khuyến khích họ. Bởi nếu việc trợ giá chỉ được triển khai ở những thành phố lớn, tỷ trọng tiêu dùng cao, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao thì hiệu quả của chính sách đó sẽ hạn chế.
Thời gian qua chính sách bình ổn giá được triển khai rất rầm rộ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với số tiền ngân sách bỏ ra rất lớn. Liệu việc đẩy mạnh ở địa phương A, ưu tiên doanh nghiệp B có là điều kiện tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trong kinh doanh hay không?
- Về nguyên tắc, doanh nghiệp thực hiện chính sách bình ổn giá được nhận một số tiền nhất định để dự trữ hàng hóa, để bán đúng giá, thông thường phải thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả đem lại rất “phập phù”.
Trên thực tế các cơ quan chức năng không thể xác định được đâu là hàng hóa được trợ giá, đâu là hàng hóa không được trợ giá. Nói một cách cụ thể là không thể kiểm soát được đâu là cân gạo được trợ giá, đâu là cân gạo không được trợ giá. Ngoài ra cũng không thể kiểm soát được bao nhiêu phần trăm hàng hóa được bán với giá đã được trợ giá, bao nhiêu phần trăm bán với giá thị trường…
Tất cả đều phụ thuộc vào sự làm ăn trung thực của doanh nghiệp. Và có doanh nghiệp trung thực nhiều, nhưng cũng có doanh nghiệp trung thực ít. Do đó, tôi e ngại về kết quả liệu 100% hàng hóa thiết yếu được trợ giá sẽ được bán theo đúng giá quy định.
Vậy, theo ông với một nền kinh tế không sản xuất ra tỷ lệ hàng hóa cao mà đa số là nhập khẩu thì việc bình ổn giá có phát huy hiệu quả hay không?
- Về giải pháp lâu dài thì việc triển khai thực hiện chính sách bình ổn giá phải được thực hiện song song với việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư thì mới hy vọng phần nào kiểm soát được lạm phát.
Nếu tiếp tục đầu tư kém hiệu quả thì mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ khó lòng đạt được. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là phải đưa hàng về nông thôn.
Hiện tại, các cơ quan quản lý đang bằng mọi biện pháp hành chính để kiểm soát đà tăng giá từ nay đến trước Tết Nguyên đán, nhưng giá sẽ như cái lò xo nén mãi sẽ bật lên và chẳng ai có thể giữ cho nó không tăng mãi. Vì vậy, rõ ràng nguy cơ sau Tết sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều trong mục tiêu kiềm chế tăng giá.
Xin cám ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện)