Sau khi dâng nước hồ thủy điện, đã có nhiều gia đình nuôi cá lồng hay làm quen với nghề chài lưới. Nhưng từ rất lâu, ở phía dưới đập xả lũ và sau này là cầu Hòa Bình đã có xóm chài nằm nép mình bên bờ sông qua bao năm tháng.
Cách đây hai mươi năm, từ những con thuyền gỗ với vòm đan bằng cót, những chiếc thuyền neo lại mùa khô để đánh bắt cá và ẩn mình trong sương mù như trong một bức tranh thủy mặc. Mùa ấy nhìn dòng sông mỏng mảnh trong sương mai, con thuyền nhỏ như ngọn bút vẽ trên mặt sông ấy. Những chiếc thuyền co cụm sẻ chia mồi lửa trong giá rét. Ngọn lửa nơi mui thuyền giữa khói sương trong những đêm đông gợi nhớ “lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ” trong Phong Kiều dạ bạc.
Giờ đây xóm chài đã có những ngôi nhà nổi lợp tôn và thuyền bè kiên cố chống chịu nắng mưa và là nơi cư ngụ vững vàng cho những gia đình. Lũ trẻ được lên bờ đi học, những người dân chài thân thiện ngày ngày buông lưới bên dòng dẫu hai bờ sông giờ đã kè đá, những ngôi nhà cao soi mình xuống dòng sông.
Dường như, có một phần ký ức về những trận lũ lịch sử, rồi những lần ngăn sông để xây nên thủy điện, về những bãi phù sa giờ thành nương ngô xanh biếc vẫn được lưu giữ trong những bóng thuyền trầm mặc. Rồi những người ngồi ngắm sông sẽ già đi, những con thuyền sẽ đổi thay vóc dáng. Nhưng, xóm chài vẫn còn đó như một nét gì riêng lắm của thành phố bên sông này.