Dân Việt

Hành trình gìn giữ văn hóa Thái

15/11/2010 09:03 GMT+7
(Dân Việt) - Sở hữu hơn 500 hiện vật cổ của đồng bào Thái, anh Kiều Văn Kiên đã và đang góp phần gìn giữ, giới thiệu nét đẹp của văn hóa Thái...

 

img
Anh Kiên và bộ sưu tập dụng cụ sinh hoạt gia đình.

Hiểu văn hóa để... hiểu vợ hơn

Cái duyên đưa anh Kiều Văn Kiên, quê ở Thạch Thất, Hà Nội, đến với hành trình sưu tầm hiện vật cổ dân tộc Thái thật ngẫu nhiên.

Năm 2004, anh Kiên kết hôn với chị Khà Thị Liên, dân tộc Thái ở xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, Hòa Bình. “Ban đầu, tôi tìm hiểu văn hóa Thái để hiểu hơn về vợ và văn hóa gia đình vợ. Càng tìm hiểu, tôi càng say mê văn hóa dân tộc Thái từ những nếp nhà sàn, từ những vật dụng rất riêng và đặc trưng của người Thái Mai Châu. Niềm say mê đó chảy trong tôi như thứ rượu ngô say nồng được cất từ bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái”- anh Kiên tâm sự.

Thấy văn hóa cổ truyền dân tộc Thái đang ngày dần mai một cùng với thời gian và sự thương mại hóa ngay trên vùng đất được mệnh danh là cái nôi của văn hóa Thái, anh đau xót lắm. Anh trăn trở và khao khát làm một việc gì đó để bảo tồn và lưu giữ văn hóa dân tộc Thái. Hành trình của mình năm 2005 với ý tưởng sưu tầm cổ vật dân gian Thái.

Bộ sưu tập cổ vật dân tộc Thái với nhiều chủ đề, là kết quả chặng đường anh vất vả trong suốt 5 năm qua. Chị Liên tâm sự rằng, chị không đếm nổi bao nhiêu lần chồng chị lên đường với chiếc ba lô con cóc đựng 2 bộ quần áo, mì tôm, lương khô, cá khô và chiếc xe Win cùng anh leo đèo, lội suối. Không chỉ kiếm tìm trong địa bàn Mai Châu, anh sang cả các huyện lân cận, vào Thanh Hóa, Nghệ An... Nghe tin nhà ai có hiện vật cổ, anh vội vã lên đường ngay. Anh sợ nếu chậm trễ, hiện vật đó có thể rơi vào tay những người buôn đồ cổ hoặc hư hỏng. “Nhiều lần tưởng tôi buôn đồ cổ, bà con từ chối không bán cổ vật. Có khi mua được đồ mang về lại bị cơ quan an ninh làm khó dễ” - anh Kiên nhớ lại.

Có những lần anh lặn lội mấy ngày mới đến được gia đình có hiện vật cổ, nhưng không thuyết phục được họ bán. Không ít lần anh phải dắt chiếc xe thủng săm giữa rừng hàng cây số. Rồi những lần trên đường đi gặp mưa bão...

Đưa văn hóa Thái đi xa

Anh bảo, kho tàng văn hóa Thái rất đa dạng, phong phú. Để tiếp tục hành trình của mình, anh không thể mãi "đơn thương độc mã". Năm 2009, anh chính thức trở thành thành viên CLB UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật.

Hiện, anh có trong tay hơn 500 hiện vật cổ dân tộc Thái, từ những dụng cụ sinh hoạt gia đình đến đời sống tâm linh. Đó là bộ đèn (đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời địa chủ); bộ đồ cúng của thầy mo (áo làm phép, trống, chiêng, lịch của thầy mo đi cúng); bộ sưu tập nhạc cụ (khèn bè, kèn đám ma, chiêng, cồng, trống, chập chóe, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi); dụng cụ chế biến lương thực (bộ cối xay đá); dụng cụ săn bắn hái lượm (bẫy, nỏ, súng chi mai); đồ trang sức (dây xà tích, vòng bạc, hoa tai); dụng cụ dùng trong sinh hoạt gia đình (mâm đồng, đồ xôi, ớp, bát đời Lý, đời Trần, giỏ, bát, chum, bầu đựng muối); trò chơi dân gian… Anh tìm những cụ cao niên nhờ làm lại các kiểu bẫy, súng dùng trong săn bắt ngày xưa.

“Tôi sẽ mở phòng trưng bày hiện vật cổ để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về văn hóa dân tộc Thái ngay tại Mai Châu. Ý định của tôi được ông Hà Công Tín ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu - người nghiên cứu và nắm giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể dân tộc Thái ủng hộ. Ông Tín nhận lời về phụ trách phòng "Tìm hiểu văn hóa Thái" khi phòng trưng bày ra đời - anh Kiên tiết lộ.n

Ban đầu, tôi tìm hiểu văn hóa Thái để hiểu hơn về vợ và văn hóa gia đình vợ cho hợp lẽ "đối nhân xử thế". Càng tìm hiểu, tôi càng say mê.

Anh Kiều Văn Kiên