"Cổ hũ" là phần ngọn của cây, nơi tích tụ những tinh túy nhất của cây dừa. Một cây dừa trồng 2 – 3 năm mới có khúc "cổ hũ" và sau khi lấy "cổ hũ", cây dừa sẽ chết. Do vậy, phần lớn người khai thác "cổ hũ" dừa đều nhắm vào những cây dừa đã "lão hóa", năng suất kém hoặc cây không đạt yêu cầu cần thay thế cây khác.
"Cổ hũ" dừa tươi, đem sơ chế; Nhưn (nhân) "cổ hũ" dừa dùng làm bánh xèo; Gỏi "cổ hũ" dừa tôm – thịt ăn với bánh phồng tôm; Tráng bánh xèo bột gạo lứt nhưn "cổ hũ" dừa.
Trước hết người ta phải hạ cây dừa rồi chặt lấy phần ngọn, lột hết bẹ ra, phần còn lại có màu trắng đục, mềm và giòn, đó chính là phần "cổ hũ". Đặc biệt trong số các loài cây có "cổ hũ" như cau ăn trầu, cau kiểng, đủng đình… phần đọt đều đắng và chát, chỉ có cây dừa là ngon ngọt và béo bùi.
Trước kia, "cổ hũ" dừa là món ăn phổ biến của người dân miệt vườn nhưng trong những năm gần đây, nhiều nhà hàng đặc sản, nhiều nghệ nhân ẩm thực đã sáng tạo ra nhiều món ăn với nhiều kiểu cách đa dạng, vừa tinh tế vừa lạ miệng như muốn níu chân thực khách, đặc biệt là món gỏi "cổ hũ" dừa. Những ai từng dùng qua gỏi ngó sen, gỏi bồn bồn, gỏi bông súng, nếu có dịp thưởng thức món gỏi "cổ hũ" dừa chắc chắn sẽ hài lòng và gật đầu “ngon tuyệt!”. Gỏi "cổ hũ" dừa là món ăn vừa ngon, ngot, giòn, mùi vị đặc trưng, hơn hẳn các loại gỏi khác, nhất là trộn với tôm, thịt, ăn kèm với bánh phồng tôm càng gây kích thích vị giác, béo, bùi không thể tả được.
Gỏi "cổ hũ" dừa tôm, thịt ăn với bánh phồng tôm.
Nếu có dịp về miền Tây hoặc ghé qua các làng ẩm thực Bến Tre chắc chắn chúng ta sẽ được thưởng thức món bánh xèo nhưn thịt vịt xiêm xào "cổ hũ" dừa, hay "cổ hũ" dừa xào thịt cuốn bánh tráng. Ngoài ra, nhiều bà nội trợ khéo tay còn dùng "cổ hũ" dừa để làm các món chay, trong đó hấp dẫn nhất là món dưa chua vừa giòn vừa thanh, ăn vài lần phát ghiền. Những món ăn từ "cổ hủ" dừa tuy dân dã nhưng lại đậm đà nhờ mùi vị thơm nồng hòa cùng với vị chua, cay, mặn của nước chấm khiến cho thực khách dù chỉ thưởng thức một lần thôi cũng đủ nhớ đời.
Cách chế biến "cổ hũ" dừa tuy đơn giản nhưng cũng đòi hỏi chút công phu và tỉ mỉ. Trước hết phải xắt "cổ hũ" ra thành miếng nhỏ, mỏng hoặc vuông dài rồi rửa sạch, đem ngâm vào nước đá để tăng độ giòn. Xong trộn chung với cà rốt, hành tây, tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm. Sau đó cho tôm sú luộc và thịt ba chỉ xắt mỏng vào trộn chung. Nhiều đầu bếp khéo tay còn chăm chút rắc thêm rau răm, ớt đỏ thái chỉ vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà, nhìn vào là phát thèm và muốn “khám phá” ngay mùi vị đăc trưng của "cổ hũ" dừa.
Món "cổ hũ" dừa thường là món dùng lai rai sau món súp mở màn, nhưng cũng có thể dùng chung với cơm. Hấp dẫn nhất là ăn kèm với bánh đa hoặc bánh phồng tôm, nhai nghe giòn rụm thật khoái khẩu.