Dân Việt

Tìm lại cội nguồn Ơđu

06/06/2011 19:57 GMT+7
(Dân Việt) - Trước nguy cơ tộc người Ơđu "biến mất", chính quyền huyện Tương Dương, Nghệ An đang nỗ lực khôi phục và chấn hưng bản sắc văn hoá Ơđu.

Cội nguồn Ơđu

Theo một số tài liệu nghiên cứu và người cao tuổi của tộc người Ơđu truyền lại: Xưa kia người Ơđu rất đông đúc, cư trú suốt dọc vùng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ (thuộc các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hoà, Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An). Họ chủ yếu phát nương làm rẫy, đãi cát tìm vàng, đánh cá và buôn bán.

img
Cụ Lò Văn Phong, một trong những người hiếm hoi biết tiếng Ơđu.

Người Ơđu có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Do sự xâm lược của thực dân Pháp và sự chèn ép của các tộc người khác, một bộ phận khá đông người Ơđu phải bỏ cả tiếng nói, phong tục, tập quán, trốn vào rừng sâu núi thẳm hoặc sống trà trộn, lệ thuộc và các dân tộc khác để khỏi bị tiêu diệt.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng bào Ơđu được giải phóng, được bình đẳng với các dân tộc khác. Người Ơđu lại trở về vùng đất xưa an cư lạc nghiệp. Họ sinh sống chủ yếu ở một số xã ven sông Nậm Nơn, cư trú đông nhất là ở các bản Xốp Bột, Pủng, Cà Moong, Com, Kim Hoà thuộc xã Kim Đa. Người Ơđu được học tiếng phổ thông, một số em đã học lên đại học, hiện là giáo viên, cán bộ xã... Tuy nhiên, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết của người Ơđu đã mất gần hết...

Hiện nay, tộc người Ơđu có 600 người (1 trong 5 tộc người có dân số dưới 1.000 người ở Việt Nam), nhưng chỉ còn 6 cụ già biết tiếng Ơđu và cũng chỉ biết khoảng 60 - 70%. Năm 2006, tộc người Ơđu lại có một cuộc thiên di lịch sử nhường chỗ cho Thủy điện Bản Vẽ.

Nỗ lực tìm lại

Anh Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Trước nguy cơ "biến mất" của tộc người Ơđu, chúng tôi đã dày công sưu tầm, tìm kiếm ở các địa phương có đồng bào Ơđu sinh sống, tìm tư liệu ở Viện Nghiên cứu dân tộc học, các nhà nghiên cứu về dân tộc học... với mong muốn có cái nhìn tổng phổ về dân tộc Ơđu.

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu dân tộc học; tiến sĩ Machiko - nhà nghiên cứu văn hoá châu Á - Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã về Tương Dương nghiên cứu văn hoá dân tộc Ơđu. Trước khi di dời dân để làm Thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ lưỡng với đồng bào để khi di dời không làm mất đi những giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc mình".

Tháng 10.2007 huyện Tương Dương triển khai dạy tiếng Ơđu cho con em Ơđu. Giáo viên là những cụ biết tiếng Ơđu. Người học rồi dạy cho người chưa học. Anh Hợi cho hay: "Đến nay huyện Tương Dương đã mở 5 lớp dạy tiếng Ơđu cho gần 300 lượt người, kết thúc lớp học chỉ có 30-40% học viên biết nói nhưng không thành thạo, sau một thời gian không sử dụng là quên hết.

Việc dạy và học tiếng Ơđu cho người Ơđu rất khó khăn. Ngoài kinh phí hạn hẹp, thì người biết tiếng Ơđu quá ít, tuổi lại cao, sức yếu. Bên cạnh đó, bà con cũng không mặn mà với chuyện đi học.

Lớp học về phong tục của dân tộc Ơđu cũng không mang lại hiệu quả. Khảo sát ở hai bản mới là Văng Môn và Tăng Kho, xã Nga Mi, hầu như chẳng ai mặn mà với tiếng nói của dân tộc mình".

Anh Lò Văn Hải, học viên lớp học tâm sự: "Bảo đi học thì học nhưng học trước quên sau, nỏ ai nhớ". Nhiều học sinh Ơđu khi được hỏi có biết tiếng dân tộc mình không? Hầu hết trả lời: "Chỉ biết mấy câu thông thường chào hỏi... thôi". Phụ nữ Ơđu giờ đây hiếm người biết dệt thổ cẩm truyền thống. Các phong tục ma chay, cưới hỏi; các lễ cúng thần sấm, thần mưa; sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc Ơ Đu cũng đang dần mai một.

Để bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ tộc người Ơđu, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hoá và ngôn ngữ Đại học Vinh đã triển khai đề tài nghiên cứu văn hoá và ngôn ngữ người Ơđu ở Tương Dương. Đề tài đã được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc. Nhưng để kết quả ấy đến với đời sống đồng bào Ơđu thì cần phải có thời gian...