Ngày 3.6, hãng dịch vụ taxi qua mạng Uber đã bị chính quyền thủ đô Delhi của Ấn Độ từ chối gia hạn giấy phép hoạt động theo một quy định vừa được sửa đổi, và cảnh sát giao thông thành phố cũng tăng cường chiến dịch truy tìm, “gài bẫy” tài xế Uber.
Việc chính quyền Delhi từ chối gia hạn giấy phép được coi là một đòn mạnh giáng vào hoạt động của Uber tại Ấn Độ, nơi các tài xế Uber đã bị coi là hoạt động “bất hợp pháp” kể từ khi một lệnh cấm được ban hành ở thủ đô vào tháng Một năm nay.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Delhi cũng từ chối gia hạn giấy phép cho hai dịch vụ đặt taxi qua mạng tương tự là Ola Cabs và Taxi For Sure.
Sở Giao thông Vận tải Delhi cho hay họ từ chối gia hạn loại giấy phép hoạt động quan trọng này vì cả 3 công ty trên đều không chứng minh được rằng họ đang tuân thủ các tiêu chí mà Bộ Nội vụ Ấn Độ đặt ra đối với hoạt động vận tải taxi hồi năm ngoái.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ấn Độ Gopal Rai cho biết vào ngày 28.5, họ đã yêu cầu hãng Uber và Ola cung cấp các thông tin chi tiết như biển số xe và địa chỉ của tài xế để hợp pháp hóa hoạt động của mình, nhưng các hãng này đã không tuân thủ yêu cầu trên.
Một quan chức cấp cao khác của Delhi nói: “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Uber, Ola và Taxi For Sure hoàn chỉnh hồ sơ từ hồi tháng Ba, tuy nhiên họ đã không thực hiện. Bởi vậy chúng tôi phải từ chối gia hạn giấy phép của họ”.
Theo tờ Hindu của Ấn Độ, các quy định mới được sửa đổi của Bộ Nội vụ Ấn Độ đã đặt các hãng taxi qua mạng trước hai lựa chọn, hoặc phải ngừng hoạt động theo lệnh cấm chờ đến khi được gia hạn giấy phép, hoặc phải khai báo giả trong hồ sơ phương tiện và tài xế của mình.
Chính quyền Delhi đã ra lệnh cấm các ứng dụng taxi qua mạng hoạt động ở thủ đô sau khi một tài xế Uber bị cáo buộc hiếp dâm một nữ hành khách 27 tuổi ngay trong xe vào tháng 12 năm ngoái.
Sau khi chính quyền Delhi từ chối gia hạn giấy phép, lực lượng cảnh sát thành phố cũng mở một chiến dịch lớn để “truy quét” các tài xế taxi hoạt động trái phép, và biện pháp nghiệp vụ được họ sử dụng phổ biến nhất là “gài bẫy” các tài xế.
Ông Muktesh Chander, thanh tra viên đặc biệt của Sở Cảnh sát Delhi nói rõ: “Vì những dịch vụ taxi này không hề có biển hiệu, dấu hiệu nhận biết dán trên xe để theo dõi, nên chúng tôi yêu cầu cấp dưới tải các ứng dụng này về điện thoại, đặt taxi như bình thường, và tóm gọn tài xế khi họ đến đón”.
Sở cảnh sát Delhi cho hay chỉ trong một ngày thực hiện chiến dịch truy quét và áp dụng biện pháp “gài bẫy” này, họ đã bắt được hơn 120 tài xế taxi và phạt tiền 158 người khác vì vi phạm lệnh cấm hoạt động của chính quyền thành phố.
Các nguồn tin trong sở cảnh sát cho hay trong số 120 tài xế taxi bị bắt, có 12 người làm việc cho Uber, số còn lại là nhân viên của Ola và Taxi For Sure. Ông Chander cho biết sau khi những tài xế này bị bắt, Sở cảnh sát Delhi sẽ gửi văn bản sang Sở Giao thông Vận tải để đề nghị hủy giấy phép hoạt động của phương tiện.
Chính quyền Delhi cũng đã có biện pháp quyết liệt hơn khi đề nghị chính phủ nước này có biện pháp ngăn chặn truy cập tới các ứng dụng di động của những hãng taxi trên.
Để đối phó với tình hình trên, hãng Uber cho biết họ sẽ làm hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động mới theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ, đồng thời “đối thoại tích cực” với chính quyền Delhi để có được các loại giấy phép cần thiết để tiếp tục hoạt động.