Lúc chúng tôi đến thăm, bà Đào đang tất bật đổ cám cho đàn lợn, con nào con nấy mông vai nở nang béo tròn, nhìn rất thích mắt. Ngơi tay trò chuyện, bà Đào cho biết, hiện mỗi năm gia đình bà duy trì 12 lợn nái. Trung bình mỗi lứa, mỗi lợn nái đẻ 12 con, bà để nuôi thành lợn thương phẩm, sản lượng xuất ra thị trường đạt khoảng 24 tấn thịt/năm, với giá bán khoảng trên dưới 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu vào, gia đình bà có mức thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm.
“Thời gian đầu, nuôi lợn nái gặp nhiều khó khăn, do đây là giống lợn mới, chúng tôi còn lúng túng, nhưng một thời gian sau cố gắng học hỏi, mua sách kỹ thuật về học thì áp dụng được luôn” – bà Đào nhớ lại.
Từ 2 lợn nái ban đầu, đẻ ra lứa nào, ông bà đều để nuôi. Để tiết kiệm chi phí thức ăn, vợ chồng bàn nhau nấu rượu vừa để bán, vừa để lấy bã nuôi lợn. Nói về kinh nghiệm nuôi lợn siêu nạc, bà Đào cho biết: Để mọi hoạt động của lợn không bị xáo trộn, không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn lợn, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại, các vật dụng chăn nuôi cũng như khu vực xung quanh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, oxy cho lợn nhanh lớn.
Trong quá trình nuôi lợn, chủ trang trại cần quan sát, kiểm tra định kỳ mọi hoạt động diễn biến bất thường của từng con lợn để có biện pháp phòng chống kịp thời; kiểm tra tất cả số lượng đầu vào, đầu ra, thành phần, hàm lượng thức ăn… để có sự điều chỉnh cho thích hợp.