Ông Mại cho biết, đầu tư nước ngoài cũng có thể ví như thị trường giá cả vậy, có lên có xuống, có tăng có giảm, đó là chuyện bình thường. Trong tháng 5 vừa qua, vốn đầu tư FDI giảm, với tổng vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 322 triệu USD, giảm 80% so với tháng 4 và là tháng thấp kỷ lục từ đầu năm tới nay, đúng là có lo ngại. Tuy nhiên, vốn thực hiện của các nhà đầu tư FDI tại VN đến tháng 5 đã không giảm.
Lượng vốn FDI trong năm giảm mạnh. |
Trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được gần 4,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân tháng 5 đạt khoảng 900 triệu USD, đưa tổng số vốn giải ngân 5 tháng qua lên mức 4,52 tỷ USD. Đây vẫn có thể coi là một tín hiệu tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và VN khó khăn như hiện nay.
Nhưng thưa ông, vốn FDI đăng ký giảm thì triển vọng vốn thực hiện sẽ không thể tiếp tục sáng sủa được?
- Trước hết chúng ta hãy nhìn lại vốn FDI đăng ký và thực hiện của VN từ năm 2008 đến nay. Năm 2008, vốn FDI đăng ký vào VN lên tới 72 tỷ USD trong khi vốn FDI thực hiện chỉ đạt 11 tỷ USD; tương tự năm 2009 và 2010 vốn FDI đăng ký là 22 tỷ USD, thực hiện chỉ 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Mại |
Năm nay dự báo của chúng tôi là vốn FDI thực hiện tại VN vẫn đạt khoảng 11 tỷ USD, tất nhiên, có vốn đăng ký đạt mức ấy thì mới có vốn thực hiện được. Những con số trên cho thấy, về đầu tư FDI thì vốn thực hiện quan trọng hơn rất nhiều so với vốn đăng ký.
Năm nay, cả thế giới khó khăn, đầu tư của cả thế giới đều giảm xuống. Các công ty mẹ ở nước ngoài khó khăn nên họ không thể đăng ký đầu tư ồ ạt như những năm trước. Song xu hướng đầu tư thực chất của nhà đầu tư nước ngoài lại đang tăng lên. Họ có thể đầu tư bao nhiêu mới đăng ký và triển khai.
Do vậy, chúng ta không nên chỉ nhìn vào vốn đăng ký giảm mà quá lo ngại mà vốn đầu tư thực sự được giải ngân và triển khai tại VN mới là con số đáng quan tâm.
Nếu các tháng tới, vốn FDI đăng ký tiếp tục giảm thì sẽ ra sao, thưa ông?
- Tôi cho rằng, hoạt động đầu tư nói chung khác với hoạt động thương mại. Nếu hoạt động thương mại là ngắn hạn thì đầu tư FDI là dài hạn. Xu hướng đầu tư FDI hiện nay tại VN vẫn rất tốt. Dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song nhiều nhà đầu tư FDI như của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... vẫn đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại VN.
Do vậy, chúng ta không thể nhìn vào một tháng hay hai tháng để đánh giá được mà ít nhất phải một năm mới có thể thấy được xu hướng đầu tư FDI. Các nhà đầu tư FDI cũng đang chờ những tín hiệu tốt từ các giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ phát huy tác dụng để có thể đưa ra những định hướng đầu tư.
Ông có cho rằng, đây là thời kỳ để chúng ta tăng "chất" cho đầu tư FDI tại VN, tức là vốn FDI thực hiện là bao nhiêu, hiệu quả như thế nào, chứ không chỉ là những con số về vốn FDI đăng ký rồi để đấy tại nước ta?
- Nói về số lượng các dự án FDI tại VN đến nay tôi cho đã có những bước tiến rất lớn. Chúng ta cũng chưa phải lo ngại rằng có quá nhiều dự án FDI tại VN để rồi các dự án này chưa hiệu quả. Về vốn FDI thực hiện tại VN cũng vậy, đang có sự cải thiện dần. Số dự án FDI được giải ngân nhiều nhất tại VN rơi vào các năm của thập kỷ 90, rồi giảm xuống từ năm 1998-2004. Bình quân 3 năm gần đây, vốn FDI thực hiện tại VN đã đạt 10 tỷ USD.
Tôi cho rằng, vấn đề còn lại để "tăng chất" cho các dự án FDI chính là quản lý đầu tư nước ngoài tại các địa phương, thậm chí của cả Trung ương. Thời gian qua, quá nhiều dự án lớn tại các địa phương đã bị giải thể bởi quản lý yếu kém dẫn tới thẩm định các dự án yếu kém. Từ các dự án về sắt thép, xi măng, du lịch nghỉ dưỡng...
Trong bối cảnh đầu tư FDI giảm, nhà đầu tư FDI cũng khó khăn thì chúng ta cần phải tìm cách tránh các dự án đầu tư FDI kém hiệu quả, mà cần hướng tới các dự án có lợi cho dân, không vì thu hút số lượng vốn mà phải quan tâm tới chất lượng của từng dự án được cấp phép.
Dù sao, xu hướng giảm đầu tư FDI vào VN cũng đáng lo ngại bởi chúng ta đang cần nhiều nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định năm nay vốn FDI thực hiện tại VN vẫn có thể đạt khoảng 11 tỷ USD. 5 tháng đầu năm nay, vốn FDI thực hiện của ta đã đạt 4,5 tỷ USD rồi, 7 tháng còn lại chắc chắn chúng ta sẽ đạt mục tiêu trên. Vốn đăng ký có thể không bằng năm trước song đăng ký mà không thực hiện thì cũng như không đầu tư. Với 11 tỷ USD vốn FDI thực hiện dự kiến năm nay đã chiếm 25% tổng đầu tư của VN, như vậy đã là quá nhiều để chúng ta thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Mại
Vậy theo ông, những cải cách ở đây là gì và làm sao chúng ta có thể đạt mục tiêu thu hút vốn FDI từ nay tới cuối năm hiệu quả?
- Nhìn vào bức tranh đầu tư FDI 5 tháng đầu năm nay có thể thấy nổi lên hai tín hiệu đáng mừng. Đó là vốn FDI đã được đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển các dự án kinh tế, xã hội của VN, có dự án có tổng vốn đầu tư tới hơn 100 triệu USD. Có dự án hỗ trợ VN ổn định nền kinh tế... Đây cũng chính là nhu cầu thiết thân của chúng ta.
Tín hiệu mừng thứ hai là nhiều công ty trong Top 500 công ty hàng đầu của thế giới đã đăng ký và có kế hoạch đầu tư vào VN. Các công ty lớn đều đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Như vậy có thể thấy triển vọng đầu tư FDI vào VN vẫn khá lạc quan. Và dù môi trường đầu tư của ta hiện nay có nhiều điểm còn phải cải cách như về thủ tục, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... song các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn của thế giới vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư VN.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)