Hội thảo là một trong những chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới” (5.6) năm nay”.
TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN và ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cùng chủ trì hội thảo. Gần 20 bản tham luận được gửi đến hội thảo, trong đó nhiều tham luận trình bày tại hội nghị nêu rõ về thực trạng môi trường ở nông thôn hiện nay và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao vai trò bảo vệ môi trường của các cấp, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội NDVN.
Ô nhiễm môi trường làm nhà nông kiệt quệ
Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TNMT) cảnh báo, ND đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm do sử dụng quá mức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); ô nhiễm do chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; ô nhiễm chất thải, nước thải trong sản xuất nhỏ và sinh hoạt.
Sau khi phân tích sự biến động của dân số ảnh hưởng đến môi trường, PGS-TS Lưu Đức Hải - nguyên Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Nếu không gắn với bảo vệ môi trường thì kinh tế càng phát triển càng nhiều chất thải. Chất thải chủ yếu dồn về nông thôn và người ND, đối tượng chiếm 66,4% dân số cả nước - phải hứng chịu”.
Nhiều ý kiến chia sẻ tại hội thảo đã khẳng định, nếu những vấn đề nổi cộm hiện nay trong tài nguyên môi trường không được giải quyết hiệu quả thì sẽ có một bộ phận không nhỏ nông dân kiệt quệ về sức khỏe và thu nhập.
Cần có điều kiện để Hội phản biện hiệu quả
Bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm, mô hình ND tham gia bảo vệ môi trường, tại hội thảo, nhiều đại biểu đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò của Hội NDVN trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Đại đa số đại biểu đều khẳng định, Nhà nước cần có cơ chế sát thực để Hội NDVN được tham gia xây dựng, phản biện chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách về môi trường.
Về vai trò phản biện của Hội NDVN trong lĩnh vực môi trường, PGS-TS Lưu Đức Hải chia sẻ: “Hội phải là đầu mối phản biện đối với các dự án, chương trình có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nông thôn. Nhưng để có chuyên môn sâu, Hội cần phối hợp các cơ quan khoa học…”.
Ở góc nhìn khác, PGS- TS Nguyễn Đình Hòe - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, với tư cách là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của ND, Hội NDVN phải hiểu rõ tâm lý, nhu cầu của hội viên để từ đó tham gia xây dựng chính sách sát thực.
“Chính sách của Nhà nước về môi trường hiện chưa hiểu rõ về ND và ngay bản thân người ND cũng chưa hiểu chính mình. Tôi đi thực tế một địa phương và thấy rằng, bãi rác giữa làng không xử lý được vì “kêu” không có tiền. Nhưng vì có cây di sản mà dân ở đó đóng góp tiền bạc tổ chức ăn uống linh đình đến mấy ngày. Tại sao có tiền ăn uống mà lại không có tiền xử lý bãi rác?” - TS Hòe đặt câu hỏi.
Từ góc nhìn của Hội NDVN, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (T.Ư Hội NDVN) nêu ý kiến: “Bộ luật Dân sự cần thừa nhận Hội NDVN là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của ND Việt Nam… Nếu thiếu điều này, Hội NDVN khó có thể thực hiện được vai trò đại diện cho hội viên, ND trong giám sát, tranh chấp, khiếu kiện quyền và lợi ích hợp pháp của ND bị xâm phạm, mà bài học rõ nhất là từ vụ Công ty Vedan Việt Nam và vụ Công ty Sonadezi xả thải gây ô nhiễm môi trường…”.