Dân Việt

Những tỷ phú thời bình

02/09/2011 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Từ thời chiến tới thời bình, người Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vẫn được biết đến với tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái và sự thông minh, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh.

Gặp người "dệt hồn Tổ quốc" thời chiến

Tới thị trấn Thổ Tang, chúng tôi rất vui khi gặp lại cụ Hà Văn Yên, một trong những người đầu tiên làm cờ Tổ quốc năm 1945. Đã vào cái tuổi gần “bách niên” (94 tuổi), nhưng cụ Yên vẫn còn khoẻ và minh mẫn lắm. Gặp chúng tôi, cụ phấn khởi cho biết: "Tôi sắp tròn 65 năm tuổi Đảng rồi đấy".

img
Cụ Hà Văn Yên trao đổi với phóng viên.

Bồi hồi nhớ lại câu chuyện may cờ Tổ quốc mấy chục năm trước, cụ Yên xúc động kể: "Khi ấy, gia đình tôi và nhiều gia đình xung quanh có nghề làm vàng mã. Kháng chiến thành công, chúng tôi rất muốn bày tỏ tinh thần yêu nước và nghĩ ra cách làm cờ. Thực ra, vào thời đó, làm gì có vải để may cờ. "Cái khó ló cái khôn", tận dụng luôn nguyên vật liệu sẵn có, chúng tôi quyết định làm cờ bằng... giấy".

Lịch sử ghi lại, vào ngày 19.8.1945, trong dòng thác cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội như biểu tượng bất diệt cho ngày khởi nghĩa, hầu hết những lá quốc kỳ ấy do người Thổ Tang cung cấp. Vui chuyện, cụ Yên còn kể cho chúng tôi nghe về sự tháo vát, nhanh nhạy của người Thổ Tang trong sản xuất, kinh doanh từ xưa tới nay. Từ mảnh đất Thổ Tang, hàng hoá nông sản được trung chuyển đi vùng miền và sang cả trời Tây. Thế nhưng, không chỉ buôn bán, người Thổ Tang còn làm giàu giỏi từ nông nghiệp…

Khâm phục tỷ phú thời bình

Tại trang trại của chị Vũ Thị Hà, thú thật là chúng tôi hơi... bỡ ngỡ khi thấy tỷ phú nông nghiệp này vẫn giữ tác phong rất... nhà nông. Bật mí bí quyết làm giàu của mình, chị Hà kể: "Tôi đã trải qua nhiều nghề rồi, nhưng thực tâm tôi luôn yêu nghề nông, luôn quan niệm lấy nghề nông làm gốc nên khi được khoán 2,5ha để làm trang trại, tôi quyết tâm làm đến cùng".

Khởi nghiệp với số vốn 300 triệu đồng vào năm 2000, với kiến thức cơ bản tích lũy được khi học trung cấp thú y, theo tiêu chí "lấy ngắn nuôi dài", chị Hà tận tâm, tận lực xây dựng, mở rộng trang trại trên mảnh đất quê hương. Từ 1.000 gà công nghiệp, đến nay, chị đã có 80 lợn nái, hơn 300 lợn thương phẩm, 2.500 gà đẻ, giải quyết việc làm cho 15-20 lao động với mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Thổ Tang đạt 125,4 tỷ đồng, luân chuyển buôn bán 30.000 tấn rau, củ, quả tươi, 4.000 tấn chè búp, 25.000 tấn lương thực, thực phẩm.

Là điển hình của thế hệ thanh niên "dám nghĩ, dám làm", anh Vũ Trung Học (Chủ nhiệm Hợp tác xã Ánh Dương) dù đã có công việc buôn bán khá ổn định, nhưng vẫn sẵn sàng dốc hết vốn liếng vào nghề nông khi nhận 5 ha đất khoán của thị trấn.

Năng động và đam mê với nghề, anh Học bây giờ đã là chủ của một cơ ngơi gồm 3 nghìn gà siêu trứng, 1,5 nghìn vịt, 1,5 vạn chim cút đẻ trứng, mỗi năm thu lợi khoảng 350 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 14 lao động, trong đó có người nhận mức lương tới 5 triệu đồng/tháng.

Nhạy bén với thời cuộc, anh Học còn xây dựng khu du lịch sinh thái ngay trên trang trại của mình. Đến nay, mô hình của anh đã mang lại lợi nhuận khá. Năm 2010, tỷ phú tuổi "băm" Vũ Trung Học là một trong 100 thanh niên được trao Giải thưởng Lương Định Của.