Dân Việt

Dồn dập thay tướng ngân hàng

Tiền Phong 08/06/2015 12:00 GMT+7
Với lĩnh vực ngân hàng, “ghế nóng” không chỉ dành riêng cho Thống đốc mà cả với Tổng giám đốc (CEO) các nhà băng. Trong bối cảnh tái cơ cấu và dày đặc những thương vụ sáp nhập, từ đầu năm tới nay, xu hướng thay tướng ngân hàng diễn ra dồn dập.

Hàng loạt nhà băng thay tướng

Đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đề án tái cơ cấu Agribank. Tháng 2/2015, Agribank tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Agribank. Theo đó, ông Tiết Văn Thành vốn là Phó tổng phụ trách phía Nam, sau hơn nửa năm lên quyền Tổng, được bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Agribank.

img

Gần đây, Agribank liên tiếp thay đổi CEO. Ảnh: Như Ý

Đi kèm sự kiện quốc hữu hóa Ngân hàng Xây dựng (VNCB), đầu tháng 3/2015 NHNN đã có quyết định điều động một loạt cán bộ chủ chốt từ Vietcombank sang VNCB để trực tiếp lãnh đạo và điều hành ngân hàng này trong quá trình tái cơ cấu. Với việc được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch VNCB, Phó Tổng giám đốc Vietcombank - Nguyễn Văn Tuân phải thôi nhiệm các chức vụ tại VietcomBank theo quy định để sang chèo chống VNCB. Nói về thủ lĩnh mới của VNCB, một lãnh đạo cấp cao ngân hàng “bật mí”: giới nhà băng đều nể ông Tuân có thâm niên làm việc và “trình” khá cao, việc điều hành VNCB (vốn bị mua với giá 0 đồng), với ông Tuân chắc chắn là trong khả năng và kinh nghiệm vốn có.

Cách đây 1 tháng, dư luận rất ngạc nhiên khi ABBank đột nhiên ra thông báo cử ông Cù Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Lý do ABBank đưa ra là CEO cũ - ông Phạm Duy Hiếu - từng được xem là lãnh đạo trẻ nhất làng ngân hàng cách đây hơn 2 năm (ông Hiếu sinh năm 1978) bất ngờ xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Theo đó, ABBank sẽ bổ nhiệm chính thức ông Cù Anh Tuấn vào chức danh Tổng giám đốc khi NHNN chấp thuận. Một cán bộ ABBank cho hay, CEO cũ rất nặng gánh  gia đình nên chủ động xin từ nhiệm; tuy nhiên một người am hiểu ABBank cho rằng, bất cứ CEO nào làm việc với ông chủ nhà băng này đều khó trụ lâu.

Với kế hoạch úp mở về việc sẽ sáp nhập với một đàn anh lớn, ngay khi cử Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ biệt phái sang Eximbank, Nam A Bank đã nhanh chóng công bố gương mặt thay thế, tân CEO Lương Thị Cẩm Tú. Ở độ tuổi 34, bà Tú đang được xem là gương mặt trẻ nhất trong số CEO nữ “làng bank” hiện tại. Kế đó, tại đại hội cổ đông mới đây, các ngân hàng như Techcombank, Maritimebank lần lượt trình làng những tân CEO mới.

Thách thức

3 năm trở lại đây, nếu tính trong các bộ ngành, ngân hàng chắc chắn là nơi có vòng quay nhân sự chóng mặt nhất. Còn nhớ, ngay khi mới lên vị trí ghế nóng này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố: sẽ không có việc một lãnh đạo “đóng đô” mãi một vị trí mà  Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động luân chuyển.

Theo ông Bình, một cán bộ ngân hàng  có kinh nghiệm ngoài thương trường có thể quay vòng về làm chính sách và ngược lại, những cán bộ cấp vụ trưởng, vụ phó của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ được đưa về “lò luyện” thị trường là các tổ chức tín dụng. “Ngân hàng là một lĩnh vực đặc biệt, muốn làm chính sách tốt cần có một cái đầu giỏi cộng với kinh nghiệm thực tế lăn lộn thị trường”- Thống đốc từng chia sẻ.

Việc bổ nhiệm lãnh đạo đứng đầu ngân hàng với tuổi đời từ trên 30 tới 40 hiện không còn lạ lẫm. Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận trong giới nhà băng, cứ có năng lực và thể hiện bằng chất lượng công việc, rất nhiều người có thể “tay bo” thăng tiến vào vị trí tốt. Những lãnh đạo trẻ mới được bổ nhiệm, nếu vững tay chèo con thuyền tiền tệ vượt sóng gió trong bối cảnh tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng đang dang dở, chắc chắn sẽ được trọng dụng.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc lựa chọn CEO ngân hàng bao giờ cũng căn cứ vào chiến lược của HĐQT ngân hàng đó. “Ví như một nhà băng đang đạt mục tiêu tăng tốc phát triển thị phần, CEO được chọn thường mạnh về tín dụng, khách hàng; còn như đang trong giai đoạn thắt chặt quản trị, tái cơ cấu.. phải là những CEO có kinh nghiệm ví như về khả năng kiểm soát rủi ro”- ông Hiếu nói.