Dân Việt

“Cơn lốc IS“: Một năm gieo rắc chết chóc và hủy diệt

Phương Đăng 08/06/2015 16:00 GMT+7
Tròn một năm kể từ ngày tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) càn quét qua các vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria, phát động các cuộc tấn công đẫm máu cướp đi mạng sống của hàng người, khiến hàng triệu người khác lâm vào cảnh tha hương.
"Cơn lốc IS" và những dấu mốc

Năm 2014:

Ngày 9.6: IS bắt đầu phát động cuộc tấn công dữ dội thành phố Mosul của Iraq.

Ngày 10.6: Thành phố Mosul thất thủ sau khi nhiều sư đoàn của quân đội Iraq bị tiêu diệt. IS bao vây tỉnh Nineveh, hàng loạt binh sĩ Iraq vứt vũ khí tháo chạy trước làn sóng tấn công dữ dội, điên cuồng của các chiến binh IS. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki lên tiếng kêu gọi và tuyên bố chính phủ sẽ trang bị vũ khí cho các công dân tự nguyện ra chiến trường chiến đấu chống lại IS.

Ngày 11.6: Thành phố Tikrit ở phía Bắc thủ đô Baghdad của Iraq tiếp tục rơi vào tay IS.

Ngày 13.6: IS tuyên bố xử tử 1.700 chiến binh, chủ yếu là tin đồ Hồi giáo dòng Shia và thậm chí tung ảnh "khoe" các vụ hành quyết. Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia tại Iraq Grand Ayatollah Ali al-Sistani mạnh mẽ kêu gọi người dân Iraq đồng loạt cầm vũ khí chống lại IS.

img
Các chiến binh IS

Ngày 29.6: IS tuyên bố thành lập "Caliphate" - Vương quốc Hồi giáo bao trọn các vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng được tại Iraq và Syria. Đứng đầu Caliphate là tên thủ lĩnh khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi.

Ngày 2.8: IS phát động một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các vùng lãnh thổ phía bắc của Iraq, gây ra hàng loạt tội ác cho nhiều nhóm dân tộc thiểu số tại các khu vực mà chúng càn quét qua như giết người hàng loạt, bắt cóc, cưỡng hiếp và bắt làm nộ lệ tình dục. Hàng nghìn người dân tộc thiểu số Yazidi của Iraq bị các chiến binh IS bao vây trên núi Sinjar, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Ngày 8.8: Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm tiêu diệt IS tại Iraq. Sau đó, một liên minh quân sự quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ được thành lập để giúp chính phủ Iraq chống lại "quái vật" IS.

Ngày 19.8: IS khiến cả thế giới bị sốc và bàng hoàng khi tung video tuyên bố chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley. Sau vụ hành quyết dã man nhà báo Mỹ, IS tiếp tục tung video chặt đầu một loạt các con tin phương Tây gây ra sự phẫn nộ  trên toàn thế giới. Các nạn nhân của IS bao gồm nhà báo Steven Sotloff và Kenji Goto, các nhân viên cứu trợ David Haines, Alan Henning và Peter Kassig...
imgCác chiến binh IS hành quyết tập thể tù nhân

Ngày 23.9: Chiến dịch không kích tiêu diệt IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu được mở rộng tới cả Syria.
 
Ngày 25.10: Chính phủ Iraq giành được chiến thắng đầu tiên quan trọng trước IS tại khu vực Jurf al-Sakhr gần Baghdad.

Ngày 14.11: Quân đội Iraq tái chiếm thị trấn chiến lược Baiji nhưng lại để mất ngay sau đó.

Năm 2015:

Ngày 26.1: Trung tướng al-Zaidi Abdulamir của quân đội Iraq thông báo, tỉnh Diyala vốn bị các chiến binh iS chiếm đóng trước đó đã được giải phòng.

 Ngày 3.2: IS tung video thiêu sống phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeh trong một cái lồng sắt gây sốc trên toàn thế giới. Phi công này rơi vào tay IS hồi tháng 12.2014 tại Syria.

Ngày 26.2: IS tiếp tục tung video ghi lại cảnh các chiến binh của tổ chức này đập phá, tiêu hủy các cổ vật vô giá trong một bảo tàng ở Mosul.
  
Ngày 2.3: Quân đội Iraq phát động chiến dịch phản công quy mô để tái chiếm lại thành phố Tikrit từ tay IS.
 
Ngày 5.3: Chính phủ Iraq cho biết, IS đang "san phẳng" thành phố cổ Nimrud. Các chiến binh IS sau đó cũng tung video để "khoe chiến tích" của chúng.

Ngày 31.3: Thủ tướng Iraq thông báo, quân đội nước này đã tái chiếm thành công Tikrit.

Ngày 5.4: Các chiến binh IS tung video ghi lại cảnh chúng phá hoại các di tích lịch sử ở thành phố cổ Hatra.

Ngày 17.5: IS chiếm được thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar (Iraq) đồng thời tràn vào chiếm đóng thành cổ Palmyra của Syria.
 
Một năm địa ngục dưới sự kìm kẹp của IS

Ammar, một doanh nhân chuyên bán xe hơi, bất động sản ở Raqqa (Syria) bị IS chiếm đóng và biên thành thủ phủ của Vương quốc Hồi giáo "Caliphate" của chúng hồi tháng 6.2014 cho hay, thành phố quê hương ông giờ đây là "một nhà tù khổng lồ".
img
Người dân Syria bỏ nhà cửa, lũ lượt tháo chạy khỏi "ác quỷ" IS
Sau khi chiếm được Raqqa, IS tiến hành các vụ bắt giữ, giết dân thường vô tội vạ, thiết lập lực lượng cảnh sát đạo đức để giám sát người dân phải tuân thủ mọi luật lệ hà khắc mà chúng đề ra. Bất cứ ai vi phạm đều bị trừng phạt nghiêm khắc bằng các hình phạt tàn bạo như thời Trung cổ như đóng đinh lên thánh giá, chặt đầu, ném đá đến chết... Nhiều vụ hành hình diễn ra công khai ở những nơi công cộng và các chiến binh IS ép người dân, bao gồm cả trẻ em phải tận mắt chứng kiến cảnh giết người man rợ để răn đe họ.

IS cũng thu thuế rất nặng từ các doanh nhân như ông Ammar để bổ sung nguồn tài chính.
 
Chúng cũng thay đổi chương trình giáo dục, ép các trường học trong lãnh thổ chúng kiểm soát phải áp dụng chương trình giảng dạy mới mà chúng đề ra, cấm dạy tiếng Anh và các môn khoa học. Các kỹ sư, bác sĩ ở đây, nếu "quy phục" chúng thì được trả lương hậu hĩnh, bằng không sẽ bị bắt bỏ tù, tra tấn hoặc thậm chí, giết hại.
 
Sự kìm kẹp tàn bạo của IS đã đẩy cuộc sống của người dân tại các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát rơi vào địa ngục. Người dân không dám nói chuyện, trao đổi với nhau và để an toàn tốt nhất là đóng cửa ở trong nhà.

"Chúng tôi sợ nói chuyện, thậm chí với cả bạn bè, hàng xóm của mình. Chỉ khi khóa chặt cửa ở trong nhà mình, bạn mới có thể nói những gì bạn muốn nó", một cư dân giấu tên ở thành phố Mosul (Iraq) chia sẻ.