Nhớ lại những ngày còn bé đi học trường làng, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài "Mùa thu tôi đi học" mà thầy giáo tôi thường vẫn đọc để nhắc nhở lũ học trò ngây thơ: "Gánh mồng tơi mẹ đổi thành thếp giấy/ Hoa cúc vàng từ độ ấy vàng hơn”. Bởi khi ấy ngồi ngẫm lại, nhớ nhất là những ngày bé thơ cùng nhau hái trái mồng tơi chín đen kịt, bên trong chứa thứ nước đỏ như phẩm màu. Trên những ngọn mồng tơi leo mướt xanh luôn là chỗ đậu đỗ của những cánh chuồn chuồn sặc sỡ.
Rau mồng tơi mướt xanh bên giậu (ảnh: BVP)
Nhớ lại những ngày đi học xa quê, một lần về nhà cũng vào độ tháng 6, trời oi bức, không gian dường như nóng ran bởi tiếng ve ngân. Khỏa chân xuống cầu ao cũng thấy nước bỏng rát, những tàu lá chuối héo úa bất động trong một trưa nắng thiếu những cơn gió trời dịu mát. Ấy vậy mà khi bước vào bếp đã thấy mẹ đang giã nhúm tép để nấu canh. Mẹ bảo tôi ra ngoài giậu mồng tơi hái những ngọn non nhất, mướt nhất đem về nấu canh ăn cho mát.
Lâu nay, chẳng biết thứ rau ấy ẩn mình nơi nào trong mấy tháng rét mướt mà gặp những trận mưa mùa hạ đã bừng lên sức sống bằng những ngọn xanh mướt phủ kín hàng giậu thưa. Loài rau xanh non ấy chẳng chờ đợi tay người vun xới, bắt sâu, bón phân mà cứ tự mình vươn lên trong khô cằn, sỏi đá.
Những ngọn mồng tơi nhớt nhát mướt xanh tiết ra thứ nhựa mát tay người rửa rau, hòa vào nhúm tép mẹ tôi giã, tạo nên mùi thơm của bát canh rau ngày hè. Trong bữa cơm trưa với mẹ, bên bát cà muối, con cá rô đồng rán giòn là bát canh mồng tơi mát rượi. Mẹ bảo mồng tơi chẳng bao giờ hết, chúng cứ mọc trên hàng giậu, hái về nấu canh ăn mát ruột mà chẳng phải mất tiền mua.
Cùng với những nhúm rau má mọc chân ruộng, nụ hoa vối trên những cành cây chìa xuống mặt ao, râu ngô… canh mồng tơi xua đi cái nóng nực để đem về một cảm giác mát lành của thôn quê. Những người đi xa nhớ về quê hương với biết bao kỷ niệm sẽ chẳng thể quên bát canh mồng tơi bình dị, mát ruột trong những trưa hè như thế. Thứ rau mọc lên từ đất quê, phủ xanh những bờ giậu quanh nhà và xanh mướt một màu ký ức về mảnh đất quê hương.